​Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

18/04/2019
​Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Ngày 18/4, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP).
Báo cáo tại phiên họp, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết: Qua hơn 5 năm triển khai thi hành Luật, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật GĐTP, hệ thống tổ chức GĐTP, đội ngũ người làm GĐTP tiếp tục được củng cố và phát triển… Do đó, công tác GĐTP có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng nền nếp, hiệu quả, phục vụ đắc lực hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
Tuy nhiên, công tác GĐTP đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Chẳng hạn, hoạt động giám định ở một số lĩnh vực còn chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhất là giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế; năng lực, số lượng, chất lượng đội ngũ giám định viên, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm thực hiện giám định còn hạn chế; một số bộ, ngành chủ quản các lĩnh vực giám định chuyên ngành chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện và quản lý GĐTP.
Về cơ bản, các vướng mắc trong hoạt động GĐTP hiện nay chủ yếu do công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tuy nhiên, để bảo đảm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật GĐTP theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, dự kiến bổ sung các quy định liên quan đến căn cứ, cách thức trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định, quy định về thời hạn giám định; bổ sung quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của bên trưng cầu, bên được trưng cầu; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh đối với công tác GĐTP.
 

Ngoài ra, có một số vấn đề cần xin ý kiến Ban soạn thảo, trong đó có vấn đề mới liên quan đến giám định phục vụ cho công tác thanh tra. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, bên cạnh việc giám định phục vụ hoạt động tố tụng, cần nghiên cứu về hoạt động giám định phục vụ giải quyết khiếu nại, tranh chấp dân sự, đặc biệt là yêu cầu giám định của một số cơ quan chức năng như cơ quan thanh tra.
Qua nghiên cứu, Bộ Tư pháp thấy rằng, hiện nay một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền trưng cầu giám định (như cơ quan thanh tra, kiểm toán) nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Do vậy, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung quy định: Trong trường hợp pháp luật chuyên ngành (pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán…) có quy định các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trưng cầu giám định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao thì trình tự, thủ tục trưng cầu và thực hiện giám định được thực hiện theo quy định của Luật GĐTP. Quy định này nhằm khắc phục việc trốn tránh trách nhiệm giám định của cá nhân, tổ chức được trưng cầu, đồng thời bảo đảm chất lượng giám định trong những trường hợp này.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại diện một số bộ, ngành đã đưa ra các quan điểm của mình về một số vấn đề giám định tâm thần, giám định pháp y, thời hạn giám định, kinh phí thực hiện và một số vấn đề khác.
Bộ trưởng Lê Thành Long thống nhất cao với việc cần tập trung vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu tiếp thu các vấn đề cụ thể mà các đại biểu nêu tại phiên họp. Bộ trưởng cũng chỉ đạo trực tiếp Cục Bổ trợ tư pháp các nhiệm vụ liên quan đến việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và thời hạn trình dự án Luật cấp có thẩm quyền.   
 
Tin và ảnh: An Như - Trung tâm Thông tin