Bộ Tư pháp nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Bộ liên quan đến lĩnh vực quốc tịch

18/04/2019
Bộ Tư pháp nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Bộ liên quan đến lĩnh vực quốc tịch
Ngày 18/4, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học chủ trì buổi nghiệm thu chính thức đề tài khoa học cấp Bộ: "Kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật về quốc tịch của một số quốc gia trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam ". Chủ nhiệm đề tài Cao Xuân Phong, Trưởng ban nghiên cứu pháp luật quốc tế - Viện Khoa học pháp lý thuyết minh Đề tài.
Tại buổi nghiệm thu, Thạc sỹ Cao Xuân Phong – Trưởng ban nghiên cứu Pháp luật Quốc tế, Viện Khoa học Pháp lý đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu Đề tài. Nhóm tác giả chỉ rõ Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 qua quá trình triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả nhất định, đặc biệt là nguyên tắc một quốc tịch theo hướng “mềm dẻo” đã tạo sự linh hoạt cần thiết cho việc giải quyết các vấn đề quốc tịch Việt Nam, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích của của công dân Việt Nam trong lĩnh vực quốc tịch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại một số bất cập trong việc triển khai thực hiện, làm phát sinh nhiều vấn đề thực tiễn ảnh hưởng tới không chỉ quyền và lợi ích của công dân mà trong chừng mực nhất định còn ảnh hưởng xấu đến lợi ích của Nhà nước, tới chính sách đối ngoại và tới hình ảnh của quốc gia Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng và thực thi pháp luật về quốc tịch là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước ta hiện nay.
 
Theo thuyết minh của đồng chí Cao Xuân Phong, Đề tài tiến hành nghiên cứu trực tiếp Luật Quốc tịch của 13 quốc gia đại diện cho các châu lục khác nhau, cho hệ thống pháp luật khác nhau, đại diện các trường phái nguyên tắc quốc tịch khác nhau và cũng là những nơi có đông đảo người Việt Nam sinh sống. Việc nghiên cứu Đề tài sẽ góp phần đề xuất các chính sách phục vụ cho việc hoàn thiện Luật quốc tịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 
Đề tài được các thành viên Hội đồng khoa học đánh giá cao và cho rằng đây là vấn đề "nóng" được đông đảo mọi người quan tâm. Đề tài đem đến nhiều thông tin, lập luận sâu sắc, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Cùng với việc chỉ ra các điểm mạnh của Đề tài, các thành viên cũng đưa ra những nội dung cần phải làm sâu sắc thêm trong Đề tài. Bên cạnh những yếu tố trong nước ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách quốc tịch, có thành viên còn đề nghị cần làm rõ hơn yếu tố "bên ngoài" ảnh hưởng đến chính sách quốc tịch của nước ta như thế nào. Bởi trên thực tế, từ những năm 90 trở lại đây, có rất nhiều quốc gia thay đổi chính sách quốc tịch mạnh mẽ, trong bối cảnh hội nhập, đây cũng là vấn đề cần xem xét, nghiên cứu.

 

 
Đánh giá cao việc lựa chọn nghiên cứu Đề tài, Thứ trưởng khẳng định, quốc tịch không chỉ là vấn đề quyền con người mà còn có vai trò quan trọng đối với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước. Chỉ ra một số nội dung cần tập trung và làm rõ hơn, Thứ trưởng nhận định, về tổng thể đây là Đề tài có nhiều chất liệu gợi mở cho sự phát triển và mở rộng các Đề tài khác, đồng thời có tính ứng dụng cao và sẽ góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về quốc tịch. 
Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị của Nhóm nghiên cứu Đề tài, đồng thời yêu cầu Nhóm nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng để bổ sung, hoàn thiện Đề tài để sớm triển khai sử dụng trong thực tế. 

An Như - Trung tâm Thông tin