Chiều 26/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Trưởng Ban soạn thảo đã chủ trì phiên họp lần thứ 3 Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một vấn đề trọng tâm được các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tập trung góp ý liên quan đến trách nhiệm và phối hợp trong quá trình chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.
2 phương án về trách nhiệm của cơ quan trình văn bản
Báo cáo tại phiên họp, Tổ trưởng Tổ biên tập – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết nội dung trên vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất nhất trí với phương án 1 (giữ như quy định hiện hành, đồng thời bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp của cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh). Văn phòng Quốc hội cũng nhất trí với phương án 1 nhưng đề nghị cân nhắc nội dung sửa đổi, bổ sung theo phương án 1 vì việc sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật chỉ mang tính kỹ thuật, không làm thay đổi nội dung so với Luật hiện hành.
Loại ý kiến thứ hai đồng ý với phương án 2 (chuyển việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh sang cho cơ quan trình dự án, dự thảo) vì cho rằng, mục đích cuối cùng là để văn bản ban hành ra đạt chất lượng cao nhất và để bảo đảm tính xuyên suốt, thống nhất trong quá trình xây dựng dự thảo cũng như chính sách đã được phê duyệt. Do vậy, việc giao cơ quan chủ trì soạn thảo, chỉnh lý, tiếp thu chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh là phù hợp.
Ông Tuyến cho hay, Tổ biên tập đã chỉnh lý phương án 1 bằng việc sửa đổi từ Điều 74 – 77 theo hướng cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm gửi bản tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình và dự thảo đã chỉnh lý cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo. Đối với những vấn đề lớn và còn ý kiến khác nhau thì lãnh đạo cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức cuộc họp có sự tham gia bắt buộc của lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ. Trong trường hợp cơ quan trình dự án, dự thảo có ý kiến khác với cơ quan chủ trì thẩm tra thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
|
|
Theo Tổ biên tập, đối với các lần chỉnh lý đầu tiên và chỉnh lý về kỹ thuật thì không cần phải có sự tham gia của lãnh đạo cơ quan trình mà chỉ có sự tham dự bắt buộc của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo (cấp vụ). Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng không quy định đại diện Bộ Tư pháp là thành phần bắt buộc tham gia các phiên chỉnh lý mà tham gia theo sự phân công của Chính phủ.
Cơ quan trình văn bản cần được nói “tiếng nói cuối cùng”
Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tham dự phiên họp 3 vẫn có những ý kiến khác nhau. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết ông nghiêng về phương án 2 bởi trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo ở đây đi liền với trách nhiệm tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, không làm “nản lòng” người đóng góp ý kiến. nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng chọn phương án 2 nhằm thể hiện được tính chủ động của cơ quan soạn thảo bởi đây là cơ quan nắm được diễn biến của quá trình xây dựng văn bản.
|
|
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp thẳng thắn cho rằng những ưu điểm của phương án 1 được đưa ra không phải là những ưu điểm căn bản, đặc biệt có hạn chế là nếu chính sách thay đổi trong giai đoạn chỉnh lý so với thời điểm trình thì không được đánh giá tác động. Trong khi đó, phương án 2 bảo đảm tính liên tục trong quá trình soạn thảo văn bản, tính chủ động, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo. Ông Diệp dẫn chứng quy định về cán bộ không chuyên trách ở cấp xã đóng bảo hiểm xã hội 15 năm nhưng thời gian làm việc tới đây của đội ngũ này sẽ thay đổi, dẫn đến thời gian đóng sẽ giảm nhưng không hề được đánh giá tác động. Đáng chú ý, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội cũng vậy, dự thảo Chính phủ trình không hề có quy định hạn chế quyền của người lao động về chế độ trợ cấp 1 lần nhưng qua chỉnh lý đã phát sinh sự cố đáng tiếc và buộc phải sửa đổi dù chưa có hiệu lực thi hành.
Ngược lại, một số ý kiến không đồng ý với phương án 2 với quan điểm rằng đây là quyền của Quốc hội, nhất là tới đây trong bối cảnh dân trí pháp lý được nâng cao thì chủ thể trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không phải chỉ có Chính phủ mà sẽ mở rộng hơn rất nhiều. Chuyên gia Trần Văn Quảng lo ngại phương án 2 về lâu dài sẽ rất phức tạp khi thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội là làm luật. Đồng thời, ông Quảng còn nêu câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan tham gia các ban soạn thảo nằm ở đâu trong quy trình xây dựng luật để tránh tình trạng “đánh trống ghi tên”.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long chưa “chốt” phương án nào nhưng cho rằng trong phương án 1 nên nghiên cứu có quy định cơ quan soạn thảo được chủ trì tiếp thu các ý kiến góp ý, được quyền nói “tiếng nói cuối cùng”. Đối với phương án 2, Bộ trưởng cũng nhận định phương án này thay đổi chu trình hoạt động hiện nay của bộ máy nhà nước và yêu cầu Tổ biên tập phải đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Hoàng Thư