Họp Ban soạn thảo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật

01/11/2010
Họp Ban soạn thảo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật
Ngày 30/10, Ban soạn thảo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật đã họp để bàn về những vấn đề còn chưa “tháo dỡ” được trong việc xây dựng dự thảo Luật “khó” này.

Theo Trưởng Ban soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, PBGDPL đã làm từ lâu nhưng chưa có đặc thù và không phải làm các cuộc PBGDPL rầm rộ là xong. Ngành Tư pháp đã có nhiều công sức nhưng tình trạng chấp hành PL vẫn đang có vấn đề”. Do đó, phải “xác định được mục tiêu ban hành Luật để tạo “cú huých” chuyển biến bằng những chính sách đầu tư ngân sách, cán bộ”. Nhưng Nếu cán bộ làm không đúng, không trúng thì cũng không bao giờ có hiệu quả”.

Luật phải phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong PBGDPL, vai trò của thủ trưởng các đơn vị pháp chế.

Các thành viên Ban soạn thảo cũng rất quan tâm đến việc phân định thẩm quyền, nhiệm vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong hệ thống chính trị đối với hoạt động PBGDPL để sau khi có Luật, không còn tình trạng “ai cũng làm nhưng không đạt kết quả thì tất cả vô can”. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, hệ thống nòng cốt giúp nhà nước trong PBGDPL là hệ thống tư pháp nhưng “phải có “phân vai” rõ ràng, không thể trách nhiệm cũng đổ cho Bộ Tư pháp”.

Cùng trăn trở với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuân (Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Bộ Tư pháp) cho rằng, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong PBGDPL đến đâu cần qui định rõ. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của người thực thi PL vì vẫn có hiện tượng chỉ thực hiện “lệ” dù có qui định PL làm giảm hiệu lực của qui định PL và hiệu quả quản lý Nhà nước. Đó cũng là hậu quả của việc nhiều cán bộ hiểu biết PL ít, trách nhiệm PBGDPL chưa cao.

Ông Phan Quốc Minh (Bộ Thông tin & Truyền thông) đề nghị “chỉ rõ trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị pháp chế” Bộ, ngành trong việc tham mưu cho lãnh đạo cơ quan thực hiện PBGDPL hiệu quả. Đặc biệt, Luật tập trung giải quyết những vấn đề chưa đạt được của PBGDPL nhằm đạt mục đích tăng cường hiểu biết PL, không để “có luật mà như chưa có” -  ông Tuân đề nghị.

Xét về tính hiệu quả trong đầu tư cho công tác PBGDPL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thấy rằng “Cần quan tâm đến thực trạng, nhiều địa phương đầu tư cho PBGDPL nhưng việc chấp hành PL trong nhân dân không khác các địa phương ít đầu tư”. Còn theo bà Hồ Xuân Hương (Sở Tư pháp Hà Nội), kinh phí đầu tư cho PBGDPL ở Hà Nội năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhưng cần quan tâm đến hoạt động của câu lạc bộ PBGDPL vì hiện nay do kinh phí không đảm bảo nên hoạt động không hiệu quả.

Các thành viên Ban soạn thảo cũng thấy cần qui định rõ tiêu chuẩn của báo cáo viên PL, trách nhiệm và thẩm quyền công nhận, kiểm tra hoạt động của báo cáo viên và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi báo cáo viên vi phạm. Ngoài ra, cần xác định rõ các đối tượng đặc thù trong PBGDPL, vấn đề PBGDPL đối với các điều ước quốc tế, luật nước ngoài, PBGDPL cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hội đồng phối hợp PBGDPL, kinh phí cho hoạt động PBGDPL…

Hương Giang


Phan Hồng Nguyên