Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020

28/10/2010
Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020
Sáng ngày 28/10/2010, tại Nha Trang, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo chiến lược phát triển nghề Luật sư (LS) đến năm 2020. Tham dự Tọa đàm có gần 40 đại biểu đến từ Sở Tư pháp và Đoàn LS của các tỉnh khu vực miền Trung.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 6.000 LS và 3.000 người tập sự hành nghề LS trong hơn 2.600 tổ chức hành nghề LS. Bên cạnh sự tham gia tích cực của LS vào các hoạt động tố tụng, tư vấn, dịch vụ pháp lý thì vẫn còn một số hạn chế như: số LS trên số dân còn thấp, tính chuyên nghiệp của LS chưa cao, vai trò tự quản của Đoàn LS chưa thực hiện tốt, công tác quản lý nhà nước về LS chưa thực sự hiệu quả…. Dự thảo chiến lược phát triển nghề LS đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển đội ngũ LS lên 18.000 đến 20.000 LS, tỷ lệ LS trên số dân là 1LS/4.500 dân, các tỉnh có điều kiện khó khăn sẽ có từ 30 đến 50 LS, đảm bảo LS tham gia 100% các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, có 1.000 LS hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại trong đó có 150 LS đạt tiêu chuẩn quốc tế…

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ các vấn đề: mục tiêu của Dự thảo với tình hình thực tế ở địa phương; Vai trò lãnh đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc phát triển LS qua việc tạo nguồn, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề; Mối quan hệ giữa cải cách Tư pháp với hoạt động nghề nghiệp của LS; Cần có điều tra thực trạng công tác đào tạo cử nhân Luật trong các trường đại học để đưa ra lộ trình phát triển LS cũng như quan tâm đến phát triển chất lượng LS song song với số lượng LS; Vấn đề xây dựng thị trường pháp lý để phát triển nghề LS; Cơ chế chính sách để thu hút những người có trình độ pháp lý giỏi tham gia LS; Vấn đề Đảng - Đoàn trong tổ chức hành nghề LS…

Được biết, Tọa đàm được tổ chức ở 3 khu vực Bắc - Trung - Nam nhằm lấy ý kiến góp ý của cơ quan quản lý nhà nước cũng như những người đang hành nghề LS để ban soạn thảo chỉnh lý, bổ sung trước khi trình Chính phủ ban hành.

Đặng Hữu