Đoàn công tác Bộ Tư pháp thăm và làm việc tại Hồng Kông

27/10/2010
Đoàn công tác Bộ Tư pháp thăm và làm việc tại Hồng Kông
Từ ngày 24 - 30/10/2010, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do ông Trần Tiến Dũng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc, trao đổi kinh nghiệm công tác tại Đặc khu hành chính Hồng Kông. Trong các cuộc tiếp xúc, phía bạn đã dành cho Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam sự đón tiếp nồng nhiệt, chân thành, chu đáo trên tinh thần hợp tác và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

Đặc khu hành chính Hồng Kông nằm trên vùng biển Đông Nam của Trung  Quốc là trung tâm tài chính, thương mại hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là vùng lãnh thổ thương mại lớn của thế giới. Hồng Kông phát triển dựa trên cơ sở nền kinh tế thị trường, thuế thấp và ít có sự can thiệp kinh tế của Chính phủ. Chính quyền địa phương Hồng Kông - đứng đầu là Trưởng Đặc khu - nắm giữ chủ quyền lãnh thổ, trừ lĩnh vực quốc phòng và ngoại giao. Khác với pháp luật của Trung Quốc theo hệ thống luật dân sự (civil law), pháp luật Hồng Kông theo hệ thống thông luật (common law), vừa áp dụng án lệ, vừa áp dụng luật thành văn. Hồng Kông là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế trong đó có Tổ chức Thương mại thế giới, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, tham gia nhiều công ước quốc tế, trong đó có tám Công ước La Hay về tư pháp quốc tế về các lĩnh vực áp dụng Tòa án, giải quyết xung đột pháp luật, miễn hợp thức hóa các giấy tờ công vụ, tống đạt giấy tờ, nuôi con nuôi....

Ngày 25/10, tiếp Đoàn tại Bộ Tư pháp Hồng Kông, ông Peter H.H Wong và bà Lee Sau Kong - Lãnh đạo Vụ Pháp luật quốc tế và Vụ Chính sách pháp luật Bộ Tư pháp Hồng Kông bày tỏ vui mừng được đón tiếp Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hồng Kông. Tại cuộc tọa đàm, hai bên đã trao đổi những vấn đề cùng quan tâm như các thông tin về vị trí, vai trò, cơ cấu bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cách thức tổ chức thực hiện công tác của Bộ Tư pháp hai nước. Với 6 đơn vị trực thuộc (gồm các Vụ: Pháp luật dân sự, Pháp luật quốc tế, Chính sách pháp luật, Xây dựng pháp luật, Công tố, Hành chính và phát triển), Bộ Tư pháp Hồng Kông là cơ quan chịu trách nhiệm về pháp chế; đại diện dân sự cho Nhà nước trong các vụ kiện tại Tòa án; soạn thảo, cải cách pháp luật và nghề pháp lý của Hồng Kông; đặc biệt là thực hiện việc khởi tố hình sự và kiểm soát việc truy tố hình sự. Vụ Xây dựng pháp luật đảm nhiệm thống nhất việc xây dựng và thẩm định tất cả các văn bản pháp luật của chính quyền Đặc khu. Vụ Công tố của Bộ Tư pháp Hồng Kông là cơ quan thay mặt Nhà nước tại Tòa án.

Trong các ngày 25 và 26/10, Đoàn cũng đã đến thăm và làm việc tại Tòa án Tối cao Hồng Kông, Cơ quan Chính sách trung ương Hồng Kông và Ủy ban phát triển chiến lược. Hệ thống Tòa án của Hồng Kông gồm Tòa án tối cao hay còn gọi là Tòa phúc thẩm cuối cùng là cấp tòa án cao nhất ở Hồng Kông (Final Appeal), tiếp theo là Tòa án thượng thẩm (trong đó có tòa sơ thẩm và phúc thẩm), Tòa án Quận (District Court) và các Tòa khu vực là cấp xét xử thấp nhất (Magistrates’ Court). Hệ thống tòa án ở Hồng Kông có mô hình tổ chức tương tự như các tòa án thuộc hệ thống pháp luật án lệ khác như Anh, Hoa Kỳ, Ôx-trâylia, Ca-na-đa. Trong tòa án khu vực, còn có các tòa chuyên biệt như Tòa chuyên xét xử các vụ tai nạn hoặc chết bất thường (Coroner’s Court), Tòa vị thành niên, Tòa lao động, Tòa vi cảnh (Small claims Tribunal) chuyên xét xử các vụ vi phạm nhỏ lẻ có giá trị phạt tiền tối đa là 50 ngàn đô la Hồng Kông, Tòa đất đai.... Hệ thống Tòa án Hồng Kông là một hệ thống xét xử độc lập, đang chứng tỏ là một thiết chế tư pháp chặt chẽ và hữu hiệu trong việc ổn định trật tự, kỷ cương xã hội cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Cơ quan Chính sách trung ương Hồng Kông (CPU) và Ủy ban phát triển chiến lược (CSD) có chức năng tư vấn các vấn đề về chính sách phát triển cho các quan chức cấp cao nhất của chính quyền là Trưởng Đặc khu, Bộ trưởng Hành chính và Bộ trưởng Tài chính. Bằng sự huy động rộng rãi trí tuệ của các chuyên gia Hồng Kông, Trung Quốc và quốc tế, Cơ quan này đang hướng các ưu tiên về chính sách chiến lược đến các vấn đề nhà ở, người nghèo, người cao tuổi và kinh tế của Hồng Kông. Để thu thập thông tin phục vụ cho việc định hướng xây dựng chính sách, Ủy ban phát triển chiến lược (CSD) quy tụ hầu hết những nhân sự thuộc các thành phần, bộ phận khác nhau trong xã hội; sử dụng mọi cách thức để có thể lắng nghe và trao đổi những ý kiến, sáng kiến của người dân như tổ chức họp với nhân dân, hay gọi điện thoại trực tiếp cho người dân để tìm hiểu về những vấn đề mà họ đang quan tâm, mong muốn đối với chính quyền....

Trong các ngày tiếp theo, Đoàn sẽ có các cuộc thăm và làm việc với Hội đồng lập pháp Hồng Kông, Cơ quan Phân tích chính sách kinh tế, Cơ quan Quốc gia về hồ sơ của Hồng Kông.

H. Hà