Khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

29/05/2018
Khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Ngày 25 và 26/5/2018, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” tại Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm tham dự của đại diện các cơ quan Nhà nước ở trung ương và một số tỉnh phía Nam (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Sở Tư pháp, Sở Tài chính,…) cũng như các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy về luật và công nghệ thông tin (Đại học Luật TP HCM, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Bách khoa Tp HCM) và các luật sư, doanh nghiệp công nghệ, đồng thời nhận được sự bảo trợ chuyên môn của Công ty Infinity Blockchan Labs.
Hội thảo được tổ chức nhằm phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được giao tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý, đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử về “Rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan”. “Tiền ảo” (thuật ngữ tiếng Anh là virtual currency, crypto currency), “tài sản ảo” là các vấn đề đã xuất hiện trong đời sống xã hội từ vài năm trước song vẫn là một hiện tượng pháp lý mới mẻ, đặt ra thử thách cho các quốc gia trên thế giới mà không chỉ riêng Việt Nam về xây dựng khung pháp lý phù hợp nhằm khai thác các mặt tích cực của tiền ảo, tài sản ảo cũng như hạn chế tối đa mặt tiêu cực của chúng.
Trong ngày Hội thảo đầu tiên, ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã giới thiệu tổng quan về tiền ảo, tài sản ảo và một số vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng khung pháp lý quản lý tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam. Các đại biểu đã có những tham luận, ý kiến của đại diện Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và Luật sư Otto Manfred về nhiều khía cạnh của tiền ảo, tiền mã hóa, như: nền tảng công nghệ chuỗi khối của tiền ảo, tiền mã hóa; bản chất; sàn giao dịch tiền ảo; huy động vốn thông qua phát hành tiền ảo (ICO); thực trạng đầu tư kinh doanh tiền ảo ở Việt Nam và công tác phòng ngừa đấu tranh tội phạm cũng như kinh nghiệm quản lý tiền ảo của một số quốc gia trên thê giới (Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ,…). Đại đa số các ý kiến đạt sự đồng thuận, thống nhất cao về việc cần phải xây dựng khung pháp lý để quản lý, cho phép đầu tư, kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam nhằm giúp Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu” về mặt công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới. Tuy nhiên, cần cẩn trọng trong việc nghiên cứu, đề xuất mức độ cho phép đầu tư, kinh doanh tiền ảo vì những rủi ro tiềm ẩn của hoạt động này.
Theo định hướng của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, ngày làm việc thứ hai tập trung vào bảy nhóm vấn đề: (1) nhận diện, làm rõ khái niệm tiền ảo, tài sản ảo; (2) nên công nhận hay không công nhận tiền ảo, tài sản ảo và mức độ công nhận (nếu theo phương án này); (3) mô hình quản lý tiền ảo, tài sản ảo; (4) khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo; (5) góp ý về đề cương của Bộ Tư pháp định hướng báo cáo Thủ tướng; (6) thông tin của các Bộ, ngành về việc triển khai Quyết định số 1255/QĐ-TTg và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác; (7) cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương xử lý các vấn đề phát sinh và (8) các vấn đề khác (nếu có). Nhiều ý kiến, thông tin xác đáng, có giá trị đã được trình bày tại Hội thảo, đặc biệt liên quan đến đề xuất sửa đổi thuật ngữ “tiền ảo”, “tài sản ảo” thành “tiền/tài sản mã hóa” hoặc “tiền/tài sản mật mã” nhằm đảm bảo tính chính xác của khái niệm, tránh gây hiểu nhầm, sai lệch. Đồng thời, trong phạm vi Báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ nên tập trung đề xuất quản lý tiền mã hóa để đảm bảo tính khả thi, tập trung.
Sau hai ngày làm việc tích cực, hội thảo đã đạt được nhiều kết quả quý báu. Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, dự thảo Báo cáo của Bộ Tư pháp phải bám sát nhiệm vụ được nêu trong Quyết định số 1255/QĐ-TTg và Chỉ thị số 10/CT-TTg, trong đó cần làm rõ nội hàm các khái niệm về tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền điện tử và mối quan hệ giữa chúng, trong đó nên tập trung vào tiền mã hóa được hình thành trên nền tảng công nghệ bảo đảm được độ tin cậy như công nghệ chuỗi khối. Tiền mã hóa cần được nghiên cứu kĩ lưỡng để đề xuất công nhận như một loại tài sản, trước mắt không sử dụng như một phương tiện thanh toán. Điều này giúp ích cho hoạt động quản lý, kiểm soát các giao dịch, đầu tư kinh doanh tiền mã hóa, tăng nguồn thu thuế cho Nhà nước cũng như chống hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi người ngay tình. Về hoạt động ICO, Báo cáo phải đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế của hoạt động này. Về mô hình quản lý tiền mã hóa, phụ thuộc vào mức độ công nhận sẽ có thể có hai mô hình hoặc phân tán, giao cho từng Bộ, ngành phụ trách lĩnh vực có liên quan hoặc tập trung, giao cho một cơ quan làm đầu mối.
Trong thời gian tiếp theo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị đại diện các Bộ, ngành báo cáo Lãnh đạo đơn vị thường trực, Lãnh đạo Bộ mình để thúc đẩy các thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 1255/QĐ-TTg cũng như sự phối hợp của các Bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp xây dựng, triển khai Báo cáo Thủ tướng về “tiền ảo, tài sản ảo”.