Sau 6 năm (2009 - 2015) thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp và 02 Nghị quyết của Quốc hội, chế định Thừa phát lại (TPL) đã được Quốc hội cho thực hiện chính thức trên phạm vi cả nước. Để đảm bảo phát triển bền vững nghề TPL, Viện Khoa học pháp lý được giao nghiên cứu những định hướng chính sách lớn và những nội dung cơ bản của Dự án Luật TPL đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và cải cách hành chính ở Việt Nam. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, những định hướng chính sách lớn phục vụ cho việc xây dựng Luật TPL thuộc Đề tài khoa học cấp Bộ vừa được nghiệm thu chính thức.
Đề xuất quy định TPL có chức năng, nhiệm vụ như chấp hành viên
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Dương Thị Thanh Mai cho biết, Việt Nam đã và đang trải qua những giai đoạn phát triển nhiều thách thức để khẳng định vị trí là một nghề cung cấp dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp, vừa mang các giá trị chung, phổ biến của nghề TPL trên thế giới vừa phản ánh những đặc thù của quá trình xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính những năm qua. Nghiên cứu cho thấy, ngay đầu thế kỷ XX, TPL đã được xác lập ở nước ta theo mô hình của Pháp. Sau nhiều thăng trầm, nghề TPL tái lập là một kết quả thành công bước đầu của quá trình cải cách pháp luật và tư pháp của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, Nghị quyết số 107/2015/NQ-QH ngày 26/11/2015 của Quốc hội quy định: Các tổ chức TPL tiếp tục hoạt động theo các Nghị quyết của Quốc hội cho đến khi Quốc hội ban hành Luật TPL; Giao Chính phủ phối hợp với TANDTC, VKSNDTC triển khai thực hiện Nghị quyết này và chuẩn bị Dự án Luật TPL, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV.
Trong xu thế TPL đã, đang và sẽ phát triển như một tất yếu khách quan trên thế giới hiện nay, bà Mai cho rằng, nếu Việt Nam xây dựng và ban hành Luật TPL sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững nghề TPL trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án, bổ trợ tư pháp theo con đường cải cách do Đảng, Nhà nước khởi xướng và dẫn dắt vì mục tiêu ích nước, lợi dân. Theo đó, nhóm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế về TPL theo hướng xây dựng Luật điều chỉnh toàn diện tổ chức, hoạt động của TPL với 2 phương án.
Cụ thể, phương án 1 là ban hành Luật TPL và bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến TPL trong Luật Thi hành án dân sự và các luật liên quan. Còn phương án 2 là xây dựng một luật chung cho cả thi hành án dân sự và TPL. Trong luật chung quy định chấp hành viên và TPL đều có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nhau. Trường hợp làm việc cho cơ quan thi hành án dân sự thì là chấp hành viên và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nếu hành nghề tự do thì tự chủ, tự chịu trách nhiệm điều hành văn phòng TPL. Dù theo phương án nào cũng cần những chính sách lớn như tăng thẩm quyền của TPL, phát triển nguồn nhân lực cho nghề TPL, hỗ trợ thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của TPL và ban hành quy chế đạo đức nghề nghiệp TPL…
“Chắt lọc” kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam
Đây chính là nội dung trong Đề tài khoa học cấp Bộ “Xác định những định hướng chính sách lớn phục vụ cho việc xây dựng Luật TPL” vừa được nghiệm thu chính thức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu
Nguyên Phó Chánh án TANDTC Đặng Quang Phương đánh giá thành công của Đề tài khoa học trên, nhất là có khả năng ứng dụng cao. Tuy nhiên, theo ông Phương, nhóm nghiên cứu chưa có lập luận nên theo phương án xây dựng luật chung hay luật riêng về TPL. Ông Phương gợi ý, nên theo hướng có đạo luật riêng nhằm phân biệt rõ ràng 2 lĩnh vực, nhất là TPL đã trải qua thực tiễn hoạt động. Luật phải làm rõ được đặc thù của TPL cũng như đề ra các nguyên tắc trong hoạt động TPL để tránh chồng chéo với một số hoạt động khác.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) Trần Văn Quảng nhận xét, nhóm nghiên cứu chưa nói được TPL là gì, mới định nghĩa đây là một nghề. Hơn nữa, chưa tính đến yếu tố rủi ro đặt ra với nghề này ở đất nước ta, vắng bóng những tác động hiện nay đối với TPL, “cảm giác như khó khăn hơn so với giai đoạn thí điểm” – ông Quảng trăn trở.
Bàn về các nhiệm vụ của TPL (lập vi bằng, tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án), một số ý kiến thẳng thắn cho rằng thực tiễn TPL đang gặp nhiều khó khăn, nhiều vấn đề còn tồn tại. Đơn cử như lập vi bằng thì người dân, thậm chí cả cơ quan Tư pháp, còn nhầm lẫn về giá trị của vi bằng do cách tuyên truyền, cách quản lý nhà nước. Một trong những nguyên nhân là thể chế về chức năng, nhiệm vụ của TPL chưa đầy đủ, còn các văn phòng TPL quản lý chưa đúng người, đúng việc…
Chủ tịch Hội đồng – Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao tính lý luận, thực tiễn của Đề tài khoa học, phát hiện được nhiều nguyên nhân chưa thành công của nghề TPL (như chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế cho TPL trong khi các nước là do Tòa án). Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, có những vấn đề lý luận chưa đi đến cùng (tính pháp lý của vi bằng, tống đạt văn bản có thể mở rộng được hay không). Theo Thứ trưởng, TPL ở các nước phát triển rất mạnh, cần chắt lọc kinh nghiệm cho Việt Nam để đưa ra các giải pháp cụ thể hơn trong thực hiện chính sách lớn phục vụ việc xây dựng Luật TPL.
H.Thư