Hội nghị triển khai Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022”

25/05/2018
Hội nghị triển khai Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022”
Ngày 25/5, trong khuôn khổ Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL) giai đoạn 2018 - 2022” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh. Cùng dự có nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, đại diện USAID Việt Nam, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh xây dựng và tổ chức THPL là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hiến pháp năm 2013 đã quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội và Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ thì có nhiệm vụ tổ chức thi hành và theo dõi việc THPL liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN là một yêu cầu cấp thiết. Công tác này cần bám sát định hướng cơ bản là thực hiện từng bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh, tính liên thông, gắn kết mật thiết giữa công tác xây dựng và công tác tổ chức THPL.
Bên cạnh đó, thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác theo dõi THPL bởi tình trạng “nhờn luật” vẫn còn diễn ra, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân còn hạn chế… Trước bối cảnh trên, theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Tư pháp được giao chủ trì tăng cường công tác theo dõi THPL; nâng cao năng lực phản ứng chính sách và các vấn đề mới phát sinh; nghiên cứu xây dựng Luật về tổ chức THPL, trong đó quy định sự gắn kết, sử dụng hiệu quả các công cụ phổ biến pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi THPL, thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức THPL, củng cố các thiết chế THPL.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL giai đoạn 2018 - 2022” (Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018). Đề án nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức THPL, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức THPL. Triển khai Đề án 242 một cách chủ động, bài bản, chất lượng, đầu tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1020, xác định rõ nhiệm vụ, thời hạn, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Đề án
Với ý nghĩa quan trọng nhằm quán triệt tinh thần, nội dung các nhiệm vụ được giao, phương thức thực hiện Đề án 242 của Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương gặp phải trong công tác tổ chức THPL nói chung và trong triển khai Đề án nói riêng cũng như chia sẻ những cách làm hay, mô hình tốt và đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện thể chế công tác tổ chức THPL và theo dõi THPL.
Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn đã giới thiệu, phổ biến, quán triệt Đề án 242 và Quyết định 1020. Theo ông Sơn, Đề án 242 đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn, bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác tổ chức THPL; Nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật; Đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình THPL; Tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức THPL; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tổ chức THPL; Tăng cường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác tổ chức THPL; Bảo đảm các điều kiện cho công tác tổ chức THPL. Còn Quyết định 1020 phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong việc giúp Bộ trưởng chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như trách nhiệm của tổ chức pháp chế các bộ, ngành, các Sở Tư pháp.

Đại diện tổ chức pháp chế các bộ, ngành, các Sở Tư pháp đã thông tin tới Hội nghị thực tiễn tình hình triển khai Đề án 242, đồng thời nêu giải pháp triển khai Đề án 242 một cách hiệu quả.
H.Thư