Tăng cường phối hợp Bộ Công an – Bộ Tư pháp

25/11/2016
Tăng cường phối hợp Bộ Công an – Bộ Tư pháp
Chiều 24/11, Bộ Công an – Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị phối hợp công tác. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.
Phối hợp đạt nhiều kết quả quan trọng
Báo cáo tóm tắt tình hình công tác phối hợp giữa hai ngành, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết Bộ Tư pháp đã chú trọng phối hợp hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng; phối hợp Bộ Công an trong việc thực hiện rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, bộ luật quan trọng.
Trong năm 2016, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thi hành xong 120.828 việc đạt tỉ lệ 82,09% (tăng 5,27% so với cùng kỳ) tương ứng với số tiền trên 3.059 tỷ 779 triệu 918 nghìn đồng, đạt tỉ lệ 29,57% (tăng 19,12% so với cùng kỳ). Cũng trong năm, các cơ quan Thi hành án dân sự trong cả nước đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 11.901 trường hợp, trong đó có 5.492 trường hợp phải huy động lực lượng. Lực lượng công an các cấp đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả theo đúng Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA quy định việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự.
Việc thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân được Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp và Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an thực hiện bài bản. Năm 2016, đã thi hành xong số việc, tiền đối với các bản án mà người phải thi hành đang chấp hành hình phạt tù là 52.751 việc, thu được số tiền là 1.372 tỷ 380 triệu 543 nghìn đồng.
Bộ Tư pháp đã chú trọng thực hiện việc phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự, phòng, chống ma túy, trong đó tập trung vào một số đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc có nguy cơ phạm tội, nghiện ma túy.
Việc triển khai Ngày Pháp luật cũng được Bộ Công an tổ chức bài bản trong toàn lực lượng góp phần nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm trong các hoạt động thực thi pháp luật của từng cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân.
Về công tác hành chính tư pháp: Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử của Bộ Tư pháp, kết nối với Phần mềm cấp Số định danh cá nhân của Bộ Công an, đã được triển khai chính thức tại tất cả các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn 11 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Vĩnh Long và huyện Quế Phong (Nghệ An). Tính đến nay, trên Phần mềm đăng ký khai sinh đã ghi nhận 320.508 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 260.288 trường hợp đăng ký khai sinh lần đầu, cho trẻ dưới 14 tuổi, được cấp số định danh cá nhân. Việc thực hiện liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú cũng được phối hợp triển khai có hiệu quả; Việc giải quyết các yêu cầu của công dân về quốc tịch trong thời gian qua được thực hiện cơ bản kịp thời, đúng pháp luật.
Trong năm 2016, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường 44/105 vụ việc, đạt tỉ lệ 41.9% tương ứng với số tiền phải bồi thường là 26 tỷ 351 triệu 210 nghìn đồng. Riêng Ngành Công an đã thụ lý, giải quyết xong 4/7 vụ việc, đạt tỷ lệ 57,1%  với tổng số tiền phải bồi thường là 1 tỷ 390 triệu 492 nghìn đồng.
Trung tâm Lý lịch Tư pháp quốc gia – Bộ Tư pháp và C53 – Bộ Công an phối hợp các Sở Tư pháp triển khai thử nghiệm phần mềm tra cứu, xác minh thông tin điện tử tại 36/63 Sở Tư pháp và đã giải quyết cơ bản tình trạng chậm thời gian tra cứu ở những nơi triển khai phần mềm. Bộ đã phối hợp, tham gia ý kiến với các Bộ, ngành ban hành nhiều quy định về quy trình, quy chuẩn giám định. Bộ Tư pháp đã nhận được sự phối hợp tích cực của Bộ Công an trong việc giải quyết các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế...
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng một số lĩnh vực chưa được hoàn thiện về thể chế đã gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tế ; Việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong Thi hành án dân sự giữa cơ quan Công an và cơ quan Thi hành án dân sự có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ; Một số vụ việc người phải thi hành án chây ỳ, thậm chí là chống đối quyết liệt; Việc phối hợp triển khai thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tại một số địa phương chưa đồng bộ, thống nhất …
Mối quan hệ hai bộ có tầm quan trọng đặc biệt
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an quan tâm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng các dự án luật có liên quan; Chỉ đạo các cơ quan Điều tra tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh nguồn gốc tài sản, áp dụng kịp thời các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản ngay từ giai đoạn điều tra, nhất là trong các vụ án tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;
Chỉ đạo lực lượng công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc xác minh nhân thân của những trường hợp xin thôi, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, bảo đảm  thời hạn; phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến thông tin hộ tịch (dân tộc, quốc tịch...), nơi cư trú của công dân; Phối hợp cùng Bộ Tư pháp xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành về giám định tư pháp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương; Tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc quản lý, theo dõi đối với hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, phù hợp với định hướng công tác đối ngoại đã được Đảng và Nhà nước xác định.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh ”Bộ Công an xác định mối quan hệ với Bộ Tư pháp có tầm quan trọng đặc biệt; tạo điều kiện cho lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực; đặc biệt xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, phổ biến; thực thi pháp luật... Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao những kết quả trong công tác phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp tích cực của Bộ Tư pháp trong thời gian tới.
Thay mặt Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cám ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, các đơn vị thuộc Bộ về sự phối hợp trong thời gian vừa qua. Chia sẻ về những khó khăn của Bộ Công an, Bộ trưởng cũng khẳng định việc tăng cường phối hợp giữa hai Bộ luôn là rất cần thiết. Bộ Tư pháp sẽ đồng hành với Bộ Công an trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó có công tác xây dựng pháp luật.  Bộ trưởng nêu rõ mục tiêu bảo vệ An ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội... không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Công an mà còn là của Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng cũng lưu ý công tác phối hợp giữa hai Bộ trên một số lĩnh vực trọng điểm như Thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, lý lịch tư pháp, trong hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp.... Ghi nhận các ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn hai Bộ phát huy những kết quả đạt được, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong thời gian qua để tiếp tục  tăng cường phối hợp trong thời gian tới.
Cũng trong chương trình Hội nghị, để ghi nhận những công lao đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Tô Lâm đã trao kỷ niệm chương Bảo vệ An ninh Tổ quốc cho Bộ trưởng Lê Thành Long; nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng; Hoàng Thế Liên. Bộ trưởng Lê Thành Long đã trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp tư pháp cho lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an.
Bình An