Họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP

23/11/2016
Họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP
Chiều ngày 23/11/2016, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Hội đồng thẩm định do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu là Chủ tịch; thành viên Hội đồng gồm đại diện Lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ.
Tại cuộc họp, tất cả các thành viên Hội đồng đều nhất trí về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
Hội đồng đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo; các nội dung của dự thảo Nghị định cơ bản bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trao đổi, thảo luận tại buổi họp, các thành viên đã tập trung vào một số vấn đề lớn như:
- Về chức năng, trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp nếu dự thảo Nghị định thay thế Nghị số 22/2013/NĐ-CP được ban hành thì Bộ Tư pháp sẽ được giao một số nhiệm vụ mới như thực hiện quản lý nhà nước về thừa phát lại quản tài viên... nhưng về chức năng cơ bản không thay đổi. Đồng thời, để bảo đảm xác định rõ chức năng của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính, Điều 1 dự thảo Nghị định quy định chức năng của Bộ Tư pháp đã bỏ chức năng kiểm soát thủ tục hành chính.
- Về nhiệm vụ, quyền hạn, dự thảo Nghị định kế thừa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp tại Điều 2 Nghị định số 22/2013/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới được giao hoặc có điều chỉnh theo các văn bản mới được ban hành sau Nghị định số 22/2013/NĐ-CP như: thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình và đề nghị xây dựng nghị định; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ chuẩn bị ý kiến của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình và ý kiến của Chính phủ đối với kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật; Quản lý nhà nước đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật” để phù hợp với quy định tại Điều 22 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Tách nhiệm vụ hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp thành hai khoản: khoản 18 quy định về công tác “pháp luật quốc tế” và khoản 20 quy định về công tác “hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp”.
- Về cơ cấu tổ chức, cơ bản giữ ổn định quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp như quy định tại Nghị định số 22/2013/NĐ-CP, đồng thời bổ sung các đơn vị thuộc Bộ mới được thành lập sau Nghị định số 22/2013/NĐ-CP và đề xuất chuyển đổi mô hình hoạt động của Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Cục Kế hoạch - Tài chính. Về tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ, thì nhiệm vụ quản lý nhà nước về soát thủ tục hành chính đã được chuyển từ Bộ Tư pháp sang Văn phòng Chính phủ. Bộ Tư pháp dự kiến giao nhiệm vụ về kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp cho Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp thực hiện, đồng thời đề nghị thành lập thêm 01 Phòng thuộc đơn vị này để tiếp nhận và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 giao.
- Đối với tổ chức cấp Phòng trong đơn vị thuộc Bộ, qua rà soát, đánh giá, đa số thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí với dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, một số thành viên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại về tổ chức, biên chế của các phòng đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Chương trình công tác của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9022/VPCP-TCCV, dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào cuối tháng 11/2016.