Bảo đảm linh hoạt trong công tác xây dựng văn bản

24/11/2016
Bảo đảm linh hoạt trong công tác xây dựng văn bản
Sáng 23/11, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đã có buổi làm việc về việc đăng ký Chương trình công tác năm 2017 của Chính phủ (gọi tắt là Chương trình), Thủ tướng Chính phủ liên quan đến xây dựng văn bản. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng đồng chủ trì cuộc họp cùng sự tham dự của đại diện một số đơn vị thuộc 2 cơ quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, một trong những điểm mới đột phá của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là Luật đã bỏ quy định về lập chương trình xây dựng nghị định so với Luật năm 2008 trước đây, đồng thời quy định về việc thực hiện quy trình chính sách đối với một số loại văn bản, trong đó có nghị định quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Luật. Các nghị định này bao gồm nhóm nghị định quy định các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên… và nhóm nghị định quy định vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước (thường được hiểu là nghị định “không đầu”).
Theo tinh thần của Luật năm 2015, quy trình xây dựng nghị định quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19 như sau: Các bộ, ngành sẽ lập đề nghị xây dựng nghị định; đăng tải, gửi lấy ý kiến; gửi Bộ Tư pháp thẩm định; trình Chính phủ xem xét, thông qua chính sách, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và xác định thời điểm trình dự thảo nghị định. Sau khi Chính phủ thông qua chính sách, các bộ, ngành được phân công sẽ tiến hành soạn thảo và trình Chính phủ dự thảo nghị định theo đúng thời hạn đã được phân công.
Vì vậy, để đảm bảo thực hiện thống nhất quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cũng như bảo đảm tính linh hoạt, ông Tuyến đề xuất việc đăng ký Chương trình theo nguyên tắc chỉ đưa vào Chương trình các nghị định quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản, đề án khác không phải thực hiện quy trình chính sách. Còn các nghị định quy định tại khoản 2 và 3 Điều 19 của Luật thì không đăng ký đưa vào Chương trình mà các bộ, ngành chủ động nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng chính sách, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và sau khi được Chính phủ thông qua chính sách mới cập nhật, bổ sung vào Chương trình.
Đối với các nghị định sửa đổi, bổ sung, nếu là nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước hoặc nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước thì không phải thực hiện quy trình chính sách và các bộ, ngành tiến hành đăng ký vào Chương trình nhằm bảo đảm tính linh hoạt. Song về lâu dài, các nghị định vừa quy định chi tiết vừa quy định biện pháp thi hành được ban hành sau ngày Luật năm 2015 có hiệu lực (ngày 1/7/2016) thì khi sửa đổi, bổ sung sẽ phải thực hiện quy trình chính sách. Những nghị định sửa đổi, bổ sung còn lại cần thực hiện quy trình chính sách và không đăng ký vào Chương trình. Bên cạnh đó, ông Tuyến đề nghị các nghị định được lùi từ năm 2016 sang phải thực hiện quy trình chính sách, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ thông qua chính sách và bổ sung vào Chương trình.
Các đại biểu phần lớn tán thành những đề xuất của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, đại diện Vụ Tổng hợp (Văn phòng Chính phủ) lưu ý Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5/2016 đã thống nhất cho lùi các nghị định đã đăng ký năm 2016 sang năm 2017 nên không cần phải thực hiện quy trình chính sách. Vị đại diện này cũng băn khoăn, đối với một văn bản sửa nhiều văn bản mà không xem xét đề xuất thì liệu có biết là cần thiết hay không.
Phó Chủ nhiệm Đinh Văn Tùng bày tỏ sự ủng hộ với các đề xuất của ông Tuyến nhưng cho rằng nên tiếp tục cân nhắc xem cách thức thực hiện đơn giản hơn nữa. Theo ông Tùng, các nghị định phải thực hiện quy trình chính sách thì chưa đưa vào Chương trình. Giải đáp thắc mắc về kinh phí phân bổ cho đầu công việc, ông Tùng nêu quan điểm phải để các bộ, ngành tự chủ động và hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng thông tư quy định vấn đề này.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định Luật năm 2015 có nhiều nội dung tư tưởng mới, do đó trong thời gian đầu triển khai cần hết sức linh hoạt, không được cứng nhắc. Cơ bản thống nhất nhiều đề xuất nêu trên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh thêm, các nghị định đăng ký năm 2016 sẽ được chuyển sang năm 2017, không phải thực hiện quy trình chính sách, một số chính sách không đúng mới qua thẩm định của Bộ Tư pháp. Thứ trưởng yêu cầu Bộ Tư pháp làm đầu mối tập hợp đăng ký của các bộ, ngành, trường hợp cần thiết họp với các bộ, ngành để kịp thời đưa vào Chương trình.
H.Thư