Tổ chức hội thảo và tọa đàm về xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020

26/05/2010
Tổ chức hội thảo và tọa đàm về xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020
Ngày 25/5/2010, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp Tiền Giang tổ chức Hội thảo Thực trạng tổ chức và hoạt động của cơ quan Tư pháp phục vụ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020 và Toạ đàm Đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực Tư pháp phục vụ việc xây dựng chiến lược phát triển Ngành Tư pháp đến năm 2020.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo văn phòng HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các Sở Tài chính, Nội vụ, Y tế, Công an tỉnh; Giám đốc Trung tâm pháp y, pháp y tâm thần; Trưởng phòng kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh); Lãnh đạo các Phòng, Trung tâm thuộc Sở Tư pháp; Lãnh đạo HĐND và UBND, Trưởng Phòng Tư pháp huyện; Lãnh đạo UBND xã Trung An, UBND phường 6 (Thành phố Mỹ Tho) và một số công chức Tư pháp - hộ tịch xã, phường thuộc thành phố Mỹ Tho.

Tham dự Toạ đàm gồm Ban Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo các Phòng, Trung tâm thuộc Sở; Lãnh đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; các Trưởng văn phòng Công chứng; Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh; Trưởng các Văn phòng luật sư trên địa bàn thành phố Mỹ Tho.

GS.TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo và Tọa đàm. Tại Hội thảo các đại biểu đã tích cực trao đổi, phản ánh thực trạng tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp địa phương hiện nay về chức năng, cơ cấu tổ chức, nhân sự, biên chế, cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo hoạt động…; những vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tư pháp địa phương; thực trạng quản lý, cơ chế phối hợp trong quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo lãnh thổ; vướng mắc, bất cập đối với thực trạng quản lý, phân cấp theo ngành dọc; thực trạng quản lý của UBND đối với cơ quan tư pháp; quan hệ phối hợp của cơ quan tư pháp địa phương với các Sở, ban ngành liên quan; Dự báo chức năng, nhiệm vụ của Tư pháp địa phương giai đoạn tới. Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đã tích cực và sôi nổi đề xuất kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý, phân cấp, mô hình tổ chức và hoạt động, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất… cho hệ thống cơ quan tư pháp địa phương giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, thực trạng tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp như: Luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý, Bán đấu giá tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm… về số lượng các tổ chức, thực trạng hoạt động, thực trạng đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất…; Thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức nghề nghiệp và các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phát huy vai trò tự quản của các tổ chức nghề nghiệp; Đánh giá hiệu quả triển khai chủ trương xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp trên thực tế, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cũng được các đại biểu nghiên cứu và trao đổi trong buổi Tọa đàm. Từ đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp; các giải pháp quản lý nhà nước đối với các tổ chức nghề nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời định hướng quy hoạch phát triển các lĩnh vực trên cho giai đoạn 2011-2020.

Hội thảo và Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng và thiết thực góp phần thúc đẩy và tạo tiền đề cho việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020.

Thanh Thủy - Sở Tư pháp