Cấp phép thành lập 5 Văn phòng Thừa phát lại tại TP.HCM: Tiêu chí hàng đầu là chặt chẽ, đúng luật

21/05/2010
Cấp phép thành lập 5 Văn phòng Thừa phát lại tại TP.HCM: Tiêu chí hàng đầu là chặt chẽ, đúng luật
Hôm nay (21/5), tại Sở Tư pháp TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã trao quyết định cho phép thành lập và giấy đăng ký văn phòng Thừa phát lại (TPL) cho 5 Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên tại Việt Nam hoạt động tại 5 quận trên địa bàn TP.HCM.

5 văn phòng và những Thừa phát lại đầu tiên

5 Văn phòng TPL nằm ở Q.1, Q.5, Q.8, Q.Bình Thạnh, Q.Bình Thạnh, trong đó có 4 văn phòng hoạt động theo loại hình DNTN và một văn phòng hoạt động theo loại hình Công ty hợp danh.

Ông Mai Lương Khôi, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết: TPL có chức năng hoạt động gần giống như chấp hành viên của cơ quan Thi hành án, “chia lửa” cho chấp hành viên, thúc đẩy nâng cao hiệu quả trong thi hành án, giúp Nhà nước tiết kiệm được ngân sách, nhân lực... Theo ông Khôi, để đảm bảo tính  pháp lý cũng như sự công khai, minh bạch trong giải quyết hồ sơ liên quan đến hoạt động TPL, Sở Tư pháp TP.HCM đã xây dựng quy trình và hướng dẫn tiếp nhận, giải quyết hồ sơ về hoạt động TPL. Sở cũng Phối hợp với Tổng cục Thi hành án Dân sự, Học viện Tư pháp mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về TPL. Hiện có 52 người đủ điều kiện đã đăng ký tham gia trong đó 45 học viên được cấp chứng chỉ Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TPL. Ngày 4/2/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm 21 người đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm TPL. Sau 3 tháng, khi các văn phòng chính thức đi vào hoạt động, Sở Tư pháp sẽ tiến hành kiểm tra để kịp thời nắm bắt tình hình, cũng như hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh nhằm chấn chỉnh những thiếu sót nếu có.

Thừa phát lại: Cần chủ động, sáng tạo, cẩn trọng

Tại buổi lễ. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đã chúc mừng những TPL đầu tiên của Việt Nam và mong muốn 5 văn phòng chủ động, sáng tạo đồng thời phải thận trọng, tiêu chí hàng đầu là đúng pháp luật, chặt chẽ. Với ý thức trách nhiệm vì lợi ích của người dân, các TPL cần nhận rõ trọng trách, niềm tin mà xã hội giao phó.

Liên quan đến các loại phí, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cho biết: Đối với “tống đạt” (giao nhận các văn bản) phải cụ thể hóa bằng Thông tư Liên tịch (giữa Bộ Tư pháp – Bộ Tài chính và TANDTC) và hiện đã hoàn tất, chờ thông qua trong thời gian sớm nhất; Đối với phí lập “vi bằng” và “xác minh điều kiện thi hành án” do các văn phòng và khách hàng thỏa thuận. Tuy nhiên các văn phòng cần xây dựng khung giá các loại chi phí này niêm yết công khai cho người dân. Trong thi hành án thì có chi phí “cứng” (tức phí thi hành án), ngoài ra còn có chi phí “mềm” (tức chi phí phát sinh: vé xe, máy bay...) thì các bên phải thỏa thuận thêm. Về vấn đề trách nhiệm trong cưỡng chế, Thứ trưởng cho biết thêm: Đối với việc cần cưỡng chế, trưởng văn phòng TPL phải có kế hoạch trình Cục trưởng Cục Thi hành án phê duyệt. Theo đó nếu trong đề xuất của văn phòng sai thì văn phòng chịu trách nhiệm; còn trong khi phê duyệt mà Cục trưởng không kiểm tra kỹ dẫn đến sai phạm thì Cục trưởng chịu trách nhiệm.

Phong Trần

Vinh dự là những TPL tiên phong

Thay mặt đội ngũ TPL đầu tiên của Việt Nam, ông Đoàn Tiến Hưng, Trưởng Văn phòng TPL (Q.1) bày tỏ sự tự hào khi trở thành một trong những TPL của TP.HCM được vinh dự đi tiên phong trong lĩnh vực mới và đầy thách thức. “Chúng tôi cần không ngừng học hỏi, nghiên cứu pháp luật, phát huy sáng tạo, chủ động để có những bước đột phá trong khuôn khổ pháp luật nhằm mang lại lợi ích cho người dân” – ông Hưng nói