Hội nghị về công tác rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm thực thi các cam kết WTO,  triển khai Nghị Quyết 16/2007/NQ-CP của Chính Phủ

11/05/2010
Hội nghị về công tác rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm thực thi các cam kết WTO,  triển khai Nghị Quyết 16/2007/NQ-CP của Chính Phủ
Tại Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/2/2007 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP), Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các văn bản pháp luật Việt Nam với các cam kết WTO.

Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước tiến hành các hoạt động rà soát pháp luật và kết quả là đã xây dựng được Báo cáo trình Chính phủ (Báo cáo số 192/BC-BTP ngày 9/12/2008 của Bộ Tư pháp về Kết quả rà soát pháp luật thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/2/2007 của Chính phủ - Sau đây gọi là Báo cáo Kết quả Rà soát). Báo cáo Kết quả Rà soát này đánh giá toàn diện về mức độ phù hợp của pháp luật Việt Nam với các cam kết WTO, trong đó chỉ ra cụ thể các văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ để đảm bảo thực hiện và bước đầu nghiên cứu các cam kết của Việt Nam với WTO có thể áp dụng trực tiếp mà không cần nội luật hoá bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực hiện.

Ngày 09/01/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến phê duyệt kết quả rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết WTO tại Báo cáo Kết quả Rà soát và giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các công việc liên quan để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo kiến nghị nêu trong Báo cáo Kết quả Rà soát (Công văn số 76/VPCP-QHQT ngày 09/01/2009  của Văn phòng Chính phủ). Những nhiệm vụ cụ thể Bộ Tư pháp cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là:

- Thông báo kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trình tại Báo cáo đến các Bộ, ngành và địa phương trên toàn quốc;

- Trên cơ sở kết quả rà soát, hướng dẫn các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ các văn bản liên quan;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chi tiết Danh mục các cam kết gia nhập WTO áp dụng trực tiếp và đề xuất phương án xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, ngày 6/5/2010, Bộ Tư Pháp đã tổ chức cuộc họp liên ngành nhằm phổ biến kết quả rà soát, thảo luận về thực trạng hoàn thiện pháp luật nhằm thực thi các cam kết WTO và thảo luận về việc soạn thảo Nghị Quyết của Quốc hội về việc áp dụng trực tiếp các cam kết WTO.

Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ, ngành có liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công An, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nông nghiệp, VCCI, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Bộ Quốc phòng,  Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị của Bộ Tư pháp.

Chủ trì Hội nghị là Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Hoàng Phước Hiệp. Hội nghị đã tập trung vào các nội dung chính như sau:

Thứ nhất, phổ biến kết quả rà soát đến các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan. Phần này nêu lên kết quả rà soát theo Báo cáo 192/BC-BTP ngày 09/12/2008 của Bộ Tư pháp. Báo cáo 192/BC-BTP đã nêu rõ kết quả rà soát đối với công việc rà soát các nội dung cam kết thực hiện theo lộ trình đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành, đề xuất chương trình sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn; đối với công việc rà soát các nội dung cam kết sẽ được thực hiện ngay và áp dụng trực tiếp để Chính phủ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội trước khi Chính phủ ban hành Nghị định hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thực hiện và đối với công việc rà soát để loại bỏ sự chồng chéo, những quy định không phù hợp với cam kết, không bảo đảm tự do kinh doanh hàng hoá và dịch vụ cho các chủ tham gia thị trường. Riêng với phần cam kết theo lộ trình, ngoài đưa ra kết quả rà soát, Báo cáo 192/BC-BTP còn đưa ra một số nhận xét chính về các văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại và về minh bạch, công khai và quyền khiếu kiện hành chính.

Thứ hai, lấy ý kiến và thảo luận về thực trạng rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm thực thi các cam kết WTO, về các đề xuất xây dựng pháp luật nhằm thực thi cam kết. Phần này đã nêu báo cáo về tiến độ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản luật, pháp lệnh theo Danh mục văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung,ban hành trong báo cáo 192/BC-BTP. Bao gồm: báo cáo về tiến độ liên quan đến danh mục văn bản Luật, Pháp lệnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành mới; và báo cáo về tiến độ liên quan đến việc nghiên cứu đề xuất áp dụng trực tiếp cam kết.Bên cạnh đó, cũng nêu ra các đề xuất xây dựng pháp luật nhằm thực thi cam kết, như phải thành lập Nhóm công tác liên ngành về việc nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị Quyết của Quốc hội về việc áp dụng trực tiếp cam kết, các Bộ ngành tiếp tục thực hiện việc xây dựng Danh mục áp dụng trực tiếp cam kết theo mẫu đã thống nhất và gửi về Bộ Tư Pháp tổng hợp.

Thứ ba, lấy ý kiến và thảo luận về việc soạn thảo Nghị Quyết của Quốc hội về việc áp dụng trực tiếp các cam kết WTO. Các Bộ ngành đã cùng nhau trao đổi và thảo luận xung quanh việc soạn thảo Nghị Quyết của Quốc hội. Qua thảo luận, các Bộ, ngành đều cho rằng việc nghiên cứu, đề xuất danh mục áp dụng trực tiếp các cam kết WTO là một công việc phức tạp và liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành. Các Bộ, ngành cần chủ động nghiên cứu và đề xuất danh mục cam kết thuộc lĩnh vực do Bộ, ngành đó được phân công quản lý nhà nước. Bộ Tư pháp là cơ quan điều phối, tổng hợp chung để hoàn thiện, trình lên cấp có thẩm quyền.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp cũng nêu rõ lộ trình cũng như dự kiến cách thức tổ chức nhóm liên ngành để nghiên cứu, xây dựng danh mục này.

Kết thúc Hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, ngành nhanh chóng cử cán bộ tham gia nhóm liên ngành và dự thảo danh mục cam kết áp dụng trực tiếp để gửi cho Bộ Tư pháp tổng hợp.

Hương - Ngọc