Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với Bộ Tư pháp, Hội đồng rà soát luật và Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ

14/05/2010
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với Bộ Tư pháp, Hội đồng rà soát luật và Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ
Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, trong ngày 11/5/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đến thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Hoa Kỳ, Hội đồng rà soát luật của Hạ viện.

Tại buổi làm việc với Hội đồng rà soát luật của Hạ viện và Ủy ban Tư pháp Tư pháp thuộc Hạ viện Hoa Kỳ, Đoàn đã trực tiếp được giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Bộ luật Hoa Kỳ - bộ pháp điển các văn bản của Nghị viện (U.S.code), cũng như quy trình pháp điển các luật của Nghị viện để đưa vào Bộ U.S.code. Hội đồng rà soát luật  là cơ quan có nhiệm vụ rà soát, pháp điển các luật của Nghị viện và duy trì Bộ U.S.code. Bộ U.S.code được chính thực công bố từ năm 1926, khởi đầu nó cũng có 50 chủ để giống Bộ CFR, quá trình phát triển đã có những sự khác nhau giữa hai Bộ pháp điển. Hội đồng rà soát luật của Hạ Viện có nhiệm vụ rà soát, pháp điển các luật của Nghị viện và sắp xếp vào các chủ đề sau đó trình Ủy ban Tư pháp của Hạ viện thẩm định trước khi trình Hạ viện thông qua và các đề mục này cũng phải được Thượng viện thông qua thì mới có giá trị hiện thực - giá trị áp dụng và làm chứng cứ trước tòa án, những đề mục chưa được Thượng viện thông quá thì sẽ có giá trị phi hiện thực - giá trị tham khảo. Đến nay đã có 24 đề mục đã được Thượng viện thông qua, 26 đề mục đã được Hạ viện thông qua nhưng chưa được Thượng viện thông qua với lý do là Thượng viện lo lắng việc pháp điển các luật để sắp xếp vào cấu trúc mới sẽ có những sai sót, mặt khác nhiệm kỳ của Thượng viện có 2 năm chính vì vậy khi một đề mục được pháp điển xong nhưng chưa được thông qua thì đã có sự thay đổi đại biểu, cơ quan pháp điển lại phải làm lại thủ tục trình, giải thích với các đại biểu mới được trúng cử.

Trong cùng ngày Đoàn công tác đã tách thành hai nhóm. Nhóm gặp và làm việc với Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu, nhóm tiếp xúc trực tiếp với kỹ thuật thực hiện pháp điển do Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật dẫn đầu.

Tại Bộ phận kỹ thuật thực hiện pháp điển, Nhóm làm việc đã được nghe và trực tiếp xem xét quy trình thực hiện pháp điển từ khâu nhận văn bản, rà soát, phân loại, đến sắp xếp văn bản vào các chủ đề; xử lý những vướng mắc liên quan đến cơ quan thực hiện pháp điển và cơ quan Đăng ký Liên bang.

Như vậy, giữa hai Bộ pháp điển của Hoa kỳ (Bộ U.S.code và Bộ CFR) đã có sự khác nhau cơ bản. Khởi đầu hai Bộ pháp điển đều được xây dựng với 50 đề mục tương tự giống nhau, Bộ CFR được thực hiện đồng loạt một lần theo Luật Đăng ký Liên bang năm 1937 với cơ cấu 50 đề mục, Bộ U.S.code được pháp điển một cách chậm hơn, những lĩnh vực đơn giản được pháp điển trước. Quy trình thông qua hai Bộ pháp điển này cũng khác nhau, Bộ U.S.code phải được cả hai Viện thông qua, còn Bộ CFR được thông qua một lần sau đó các văn bản sửa đổi, bổ sung là những văn bản sửa đổi bổ sung các phần của Bộ CFR, đến nay cấu trúc của hai Bộ pháp điển đã có những sự khác nhau nhất định. Quy trình thực hiện pháp điển của hai Bộ pháp điển cũng có sự khác nhau. Bộ CFR được thực hiện thống nhất có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Đăng ký Liên bang và các Bộ, ngành. Bộ U.S.code quy trình thực hiện phức tạp hơn, có nhiều sự tranh luận gay gắt hơn, thời gian kéo dài hơn và cũng chưa biết đến khi nào Bộ U.S.code mới được pháp điển song. Có thể thấy rằng Bộ CFA được thực hiện nhất quán một lần đã tạo nên bước đột phá trong quá trình pháp điển văn bản và tạo ra hệ thống các quy định hành pháp thống nhất thay thế hoàn toàn bản gốc và có giá trị viện dẫn trước tòa án. Bộ U.S.Code được thực hiện dần dần, do đó trong Bộ pháp điển này còn chứa cả các đề mục đã được thông qua có giá trị viện dẫn trước tòa và cả những đề mục chưa được thông qua chỉ có giá trị tham khảo.

Tại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Ngài Phó Tổng Trưởng lý Hoa Kỳ Thomas Perrelli và các cán bộ, chuyên gia của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tiếp và làm việc với Đoàn. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Ngài Phó Tổng Trưởng lý đã bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực Tư pháp nói chung và quan hệ giữa hai Bộ Tư pháp nói riêng trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giao lưu kinh tế, thương mại trong thời gian qua. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thông tin cho phía Hoa Kỳ về những thành tựu bước đầu và công việc đang làm của Việt Nam liên quan tới cải cách pháp luật và cải cách Tư pháp phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền trong điều kiện của Việt Nam. Bộ trưởng cũng cho rằng với những nỗ lực lớn của Việt Nam, hệ thống pháp luật, đặc biệt là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vượt qua khủng hoảng kinh tế vừa qua. Mặc dù vậy, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn đem lại từ việc ban hành một số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật lớn trong một thời gian ngắn và cần có giải pháp bảo đảm để hệ thống pháp luật được thống nhất, minh bạch, dễ tiếp cận, giảm thiểu chi phí cho hoạt động kinh tế và giao lưu của doanh nghiệp và người dân. Một trong những giải pháp đó là xây dựng các quy định pháp luật về pháp điển hoá và hợp nhất hoá văn bản quy phạm pháp luật.

Ngài Phó Tổng Trưởng lý Hoa Kỳ Thomas Perrelli cũng chia sẻ kinh nghiệm của Hoa Kỳ kể cả thành công và không thành công trong việc xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, dễ tiếp cận, minh bạch và nhấn mạnh Hoa Kỳ trong lịch sử đã có giai đoạn gặp phải tình trạng có quá nhiều văn bản pháp luật được ban hành làm cho khó biết được quy định pháp luật cụ thể nào đang có hiệu lực áp dụng. Chính nhờ vào các nỗ lực pháp điển hoá của mình đối với cả văn bản luật của Quốc hội và các văn bản của các cơ quan hành pháp, Hoa Kỳ đã từng bước làm cho hệ thống pháp luật thuận lợi trong phát triển kinh tế thị trường, khuyến khích đầu tư kinh doanh mặc dù là hệ thống pháp luật Hoa Kỳ rất đồ sộ, phức tạp.

 Bên cạnh đó, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam còn trao đổi cụ thể về những vấn đề liên quan tới vai trò của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trong quá trình pháp điển hoá pháp luật, nhất là vai trò của Bộ Tư pháp trong việc bảo đảm tính pháp lý của các văn bản được pháp điển, phối hợp với các Bộ, ngành khác trong quá trình pháp điển. Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ là một trong ba thành viên của Uỷ ban Pháp điển được thành lập để chỉ đạo toàn bộ công việc pháp điển văn bản pháp luật do các cơ quan hành pháp ban hành. Tại buổi làm việc, các quan chức và chuyên gia Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam về các vấn đề liên quan tới công tác Tư pháp, như các vấn đề liên quan tới buôn bán trẻ em, tiếp cận công lý của người dân… 

Nguyễn Khánh Ngọc - Trần Văn Lợi