Bảo đảm kinh phí trong công tác xây dựng văn bản

14/01/2016
Đây là một vấn đề được quan tâm trong cuộc họp về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật diễn ra ngày 13/1 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Bên cạnh đó, quy định về đánh giá tác động cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Đơn giản hơn về quy trình đánh giá tác động 

Cụ thể hóa quy định tại Điều 35 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về trách nhiệm, thời điểm, căn cứ xây dựng nội dung chính sách; trách nhiệm, thời điểm, nội dung, quy trình, phương pháp đánh giá tác động của chính sách; trách nhiệm xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách, sử dụng thông tin khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách và lấy ý kiến trong quá trình xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Để bảo đảm chất lượng của đề nghị xây dựng VBQPPL, đặc biệt là thẩm định từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, Dự thảo Nghị định quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập các Hội đồng tư vấn thẩm định để xem xét, cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định. Đặc biệt, để phù hợp với thực tế xây dựng VBQPPL ở địa phương, Dự thảo không yêu cầu thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.

Trong trường hợp báo cáo thẩm định khẳng định đề nghị xây dựng VBQPPL chưa đủ điều kiện trình Chính phủ hoặc UBND thì Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp phải nêu rõ lý do và trả lại hồ sơ cho cơ quan lập đề nghị để chỉnh lý đề nghị và quyết định trình hoặc không tiếp tục trình Chính phủ hoặc UBND. Trong trường hợp cơ quan lập đề nghị quyết định tiếp tục trình thì gửi hồ sơ đã được chỉnh lý đến Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp để thẩm định lại.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Nguyễn Thị Hạnh băn khoăn về tính khả thi của những quy định về phương pháp đánh giá tác động của chính sách. Theo đó, việc đánh giá tác động được thực hiện theo phương thức định lượng, định tính và các phương pháp khác, vậy phương pháp khác ở đây là phương pháp gì?. “Trong bối cảnh về nguồn lực (tài chính, con người) như hiện nay, nếu làm được một đánh giá về định lượng có chất lượng cũng đã là tốt lắm rồi” – bà Hạnh chia sẻ.

Đánh giá chung về Dự thảo, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cần phải đơn giản hóa nhiều hơn nữa bởi với tư cách là người thực thi quy định ở các bộ, ngành, địa phương thì quy trình khá rắc rối.  Vị đại diện này cũng đề nghị bổ sung Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham gia vào quá trình đánh giá tác động ngoài 4 cơ quan đã được quy định “cứng” trong Luật.

Thực hiện khoán chi theo sản phẩm đầu ra

Điều 171 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 giao Chính phủ quy định chi tiết về việc bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành VBQPPL, trong đó có nội dung bảo đảm kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, bao gồm hoạt động xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện và ban hành VBQPPL. Nhằm thực hiện nhiệm vụ được Luật năm 2015 giao, Dự thảo Nghị định quy định về nguyên tắc chi, hoạt động được chi, nội dung chi.

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức lý giải về quy định liên quan đến kinh phí là phải bảo đảm kinh phí cho tất cả các quá trình (từ khâu làm chính sách, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và theo dõi thực hiện, rà soát các thủ tục hành chính). Do gắn với chi thường xuyên như vậy nên Dự thảo Nghị định đang theo hướng liệt kê các hoạt động chi. Ông Đức cũng đề xuất tích hợp nguồn chi thường xuyên với nguồn phục vụ nghiên cứu khoa học (nghiên cứu chính sách).

Nhằm đảm bảo kinh phí xây dựng VBQPPL, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung mới đây đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành VBQPPL, đặc biệt là quy định cụ thể các sản phẩm của từng khâu trong quy trình để bố trí kinh phí theo hướng tiến tới thực hiện khoán chi theo sản phẩm đầu ra đối với từng khâu của quy trình xây dựng VBQPPL. Nhắc lại phát biểu trên, Thứ trưởng Lê Thành Long cân nhắc nghiên cứu thêm quy định về khoán chi. Việc bảo đảm kinh phí trong Dự thảo Nghị định nên chăng chỉ quy định nguyên tắc, hay cần tính cụ thể đến mức nào về kinh phí là nội dung cần làm rõ theo yêu cầu của Thứ trưởng Lê Thành Long.

                                                  Thục Quyên