Tại buổi bàn giao công tác, Thủ trưởng các đơn vị Bổ trợ tư pháp, Trợ giúp pháp lý và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã báo cáo kết quả công tác 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2015 bao gồm những việc đã hoàn thành cùng những việc đang thực hiện.
Bổ trợ tư pháp – các nhiệm vụ trọng tâm bám sát yêu cầu về tiến độ và chất lượng
Trong 7 tháng đầu năm, Cục Bổ trợ tư pháp đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với chất lượng tốt, ước tính đơn vị đã hoàn thành trên 60% khối lượng công việc của năm 2015, trong đó có những nhiệm vụ trọng tâm đã hoàn thành 100%, bám sát yêu cầu về tiến độ và chất lượng, đặc biệt là công tác triển khai các văn bản, đề án, chỉ thị. Trong những tháng đầu năm 2015, Cục đã thực hiện tốt công tác triển khai Luật giám định tư pháp năm 2012, Luật công chứng năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và Chỉ thị 33/CT-TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư…
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, Cục là đơn vị quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực (09 lĩnh vực), trực tiếp thực hiện nhiều thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực cấp phép (hơn 2500 lượt/năm), hoạt động của Cục cũng liên quan trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, hiện nay, Cục Bổ trợ tư pháp đã được giao thêm một số nhiệm vụ mới như: thanh tra chuyên ngành, quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, hòa giải thương mại, tuy nhiên số lượng biên chế còn mỏng và có sự biến động về nhân sự, do đó đơn vị gặp nhiều khó khăn trong giải quyết công việc.
Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý – đổi mới để thành công
Tính đến hết ngày 10/08/2015, về cơ bản Cục Trợ giúp pháp lý đã triển khai được 70% số lượng công việc được giao trên các mặt công tác: xây dựng thể chế; theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng… Nhấn mạnh về Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025, Cục trưởng Nguyễn Thị Minh cho rằng, Đề án đã tạo bước đột phá, đưa công tác trợ giúp pháp lý đi vào chiều sâu, thực chất, nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước.
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Thị Minh, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đang trong giai đoạn chuyển giaochức năng, nhiệm vụ (chức năng đào tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý từ Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý sẽ chuyển giao cho Học viện Tư pháp) nên còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai kế hoạch công tác. Việc tạm dừng tổ chức và hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 479/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chung của Cục. Mặc dù vậy, Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình phát triển của công tác trợ giúp pháp lý tại Việt Nam.
Quyết tâm bảo đảm tiến độ xây dựng và trình văn bản
Trong thời gian vừa qua, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã hoàn thành việc xây dựng và đang tổ chức triển khai 02/04 văn bản, đề án, cụ thể: Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Trung tâm đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin chuẩn bị cho việc chỉnh sửa phần mềm quản lý lý lịch tư pháp để phục vụ cho việc đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã triển khai thực hiện Chỉ thị về tăng cường công tác xây dựng, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Các mặt công tác khác của đơn vị đã cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
Về công tác xây dựng văn bản, Trung tâm đang tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP. Trước yêu cầu chung của Thủ tướng Chính phủ đối với một số Bộ, ngành về việc “Chính phủ không xem xét, cho phép lùi tiến độ trình văn bản của Chính phủ…”, Giám đốc Trung tâm Hoàng Quốc Hùng nhấn mạnh quyết tâm bảo đảm tiến độ xây dựng Nghị định trình Chính phủ theo yêu cầu chung của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành Tư pháp và Tòa án tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ
Từng giữ cương vị Thứ trưởng phụ trách các đơn vị trên, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao sự cố gắng, phấn đấu của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong từng đơn vị đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Đề nghị các đơn vị tiếp tục đổi mới, cải cách nhằm hoàn thành công việc tốt hơn, Phó Chánh án tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các Thứ trưởng phụ trách dày dặn kinh nghiệm, trong thời gian tới các đơn vị sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và phát triển hơn nữa.
Chúc mừng nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhận nhiệm vụ mới tại Tòa án nhân dân tối cao, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, công cuộc cải cách tư pháp thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào ngành Tòa án và mong rằng đồng chí Phó Chánh án sẽ có nhiều đóng góp vào công tác của ngành Tòa án như đã cống hiến cho ngành Tư pháp thời gian qua, đồng thời hy vọng Phó Chánh án sẽ trở thành cầu nối quan trọng, thúc đẩy quan hệ công tác giữa hai ngành Tư pháp và Tòa án. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định sẽ sát cánh cùng các đơn vị, quan tâm chỉ đạo sát sao để bảo đảm hoàn thành tốt các lĩnh vực công tác của mỗi đơn vị.
Đảm nhiệm phụ trách Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng khẳng định sẽ quan tâm chỉ đạo đơn vị phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn trong thời gian tới, nhất là sẽ tập trung cao cho các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015.
Hoàng Vy Anh