Sẽ gỡ bỏ “rào cản pháp lý” trong thủ tục kết hôn

30/07/2015
Hôm qua (29/7), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã nghe Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực và các đơn vị chức năng báo cáo về tiến độ xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch – một văn bản rất quan trọng trong việc đưa các quy định tiến bộ, đột phá của Luật Hộ tịch đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Bộ Tư pháp cho biết, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành các điều, khoản được giao trong Luật Hộ tịch, bao gồm: khoản 4 Điều 7 (về thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con; đăng ký khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định, lâu dài tại khu vực biên giới); khoản 3 Điều 16 (đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ); khoản 3 Điều 36 (trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà chưa được đăng ký khai sinh về nơi cư trú tại Việt Nam có cha và mẹ là công dân Việt Nam; có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam); khoản 4 Điều 38 (giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, việc xác minh mục đích kết hôn, thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân); khoản 2 Điều 72 (việc bố trí công chức tư pháp - hộ tịch đảm nhiệm công tác hộ tịch chuyên trách); khoản 2, khoản 3 Điều 76 (việc đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn đã được đăng ký trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực; thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, lập, quản lý, sử dụng Sổ hộ tịch trong giao đoạn chuyển tiếp - là giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được vận hành thống nhất trên cả nước.

Một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự cuộc họp là quy định về thủ tục đăng ký việc kết hôn có yếu tố nước ngoài tại UBND cấp huyện. Dự thảo Nghị định không quy định thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết  hôn có yếu tố nước ngoài (Điều 32 dự thảo).

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì biện pháp phỏng vấn trong thủ tục đăng ký kết hôn được coi như “rào cản pháp lý” nhằm góp phần lành mạnh hoá quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài và bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ kết hôn. Ông Nguyễn Công Khanh cho biết: “Thực tế triển khai quy định này thời gian qua cho thấy biện pháp này chưa đem lại hiệu quả thiết thực, còn mang tính hình thức; trình độ năng lực của công chức làm công tác hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu”. Cũng theo Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, ở một số địa phương, thủ tục phỏng vấn đã vô tình tạo cơ hội cho công chức gây phiền hà đối với người dân, phát sinh tiêu cực.  Mặt khác, pháp luật ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều công dân kết hôn với công dân Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan cũng đã có những biện pháp mạnh để bảo vệ quan hệ hôn nhân quốc tế, loại bỏ hiện tượng hôn nhân giả tạo. Chẳng hạn, Hàn Quốc yêu cầu công dân nước ngoài phải học tiếng Hàn 120 giờ trước khi đăng ký kết hôn với công dân Hàn Quốc, thắt chặt quá trình kiểm tra hồ sơ visa kết hôn nhằm lành mạnh hoá hôn nhân quốc tế. Công dân Hàn Quốc cũng phải chứng minh về tài sản khi muốn kết hôn quốc tế. Đài Loan bắt buộc qua thủ tục phỏng vấn trước khi cấp visa nhập cảnh vào Đài Loan. Do đó, nhằm đảm bảo lợi ích thiết thực của người dân, tránh gây phiền hà, tiết kiệm thời gian và chi phí hành chính, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cho rằng việc cải cách thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài theo hướng xoá bỏ việc phỏng vấn như hình thức thời gian qua là cần thiết.

Mặc dù đồng tình với quan điểm cải cách thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài nhưng ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp quan ngại việc bỏ ngay thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Giải pháp được ông Ngô Hải Phan đề xuất là: “Chưa thể bỏ ngay mà nên hạn chế những đối tượng nào không phải phỏng vấn”, chẳng hạn những quốc gia đã có biện pháp mạnh để bảo vệ hôn nhân quốc tế thì sẽ miễn phỏng vấn khi công dân của họ có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Ngoại giao lại hoàn toàn đồng tình với việc bỏ thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài vì kết hôn là “việc dân sự cốt ở đôi bên”, nhiều người mong muốn kết hôn với người nước ngoài vừa để có gia đình, vừa để được đến một “chân trời mới” với cuộc sống tốt hơn, đó là nhu cầu chính đáng. Cũng theo đại diện Bộ Ngoại giao, nhiều nước tiến hành phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là để hạn chế nhập cư, còn mục đích phỏng vấn của ta là để làm “rào cản pháp lý” nhằm góp phần lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Khi mục đích này không đạt được thì việc bỏ thủ tục phỏng vấn là điều nên làm.

Đối với quy định về thủ tục Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Dự thảo Nghị định quy định đơn giản tối đa thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm bảo vệ và đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân. Hiện nay, thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được quy định cho UBND cấp xã, nhưng thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sử dụng trong nước và kết hôn ở nước ngoài khác nhau. Trường hợp cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn trong nước hoặc sử dụng vào mục đích khác thì UBND cấp xã thụ lý, giải quyết và cấp xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu. Còn trường hợp cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài thì UBND cấp xã thụ lý, gửi hồ sơ xin ý kiến Sở Tư pháp, Sở Tư pháp phỏng vấn, xác minh và có công văn trả lời UBND cấp xã. Trên cơ sở văn bản trả lời của Sở Tư pháp, UBND cấp xã mới cấp hay không cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu.

Để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định quy định theo hướng UBND cấp xã có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho cá nhân có yêu cầu (sử dụng vào mục đích kết hôn trong nước cũng như ở nước ngoài và sử dụng vào các mục đích khác). Riêng về mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân – một quy định bắt buộc hiện hành nhưng gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, nhiều ý kiến đề nghị nên bỏ vì đó là quyền tự do của cá nhân, việc công dân muốn sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân vào mục đích gì thì đó là quyền của họ, miễn là không vi phạm pháp luật.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Luật Hộ tịch là một đạo luật quan trọng, có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân nên không được chậm hướng dẫn thi hành. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chức năng khẩn trương rà soát lại toàn bộ các quy định tại dự thảo Nghị định, sớm trình Chính phủ để đảm bảo Nghị định được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016, cùng với thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành.  

Quang Minh