Công bố Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

17/07/2015
Công bố Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Sáng ngày 17/7/2015, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 (ngày 22/6/2015), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016. Ngày 06 tháng 7 năm 2015, Luật đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh công bố. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được xây dựng trên cơ sở hợp nhất 02 Luật hiện hành là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 để áp dụng thống nhất việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi cả nước. Luật mới gồm 17 chương, 173 điều với nhiều điểm mới quan trọng, cụ thể như:

Về khái niệm quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật

Để khắc phục hạn chế trong việc phân biệt khái niệm văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính thông thường và những văn bản khác của cơ quan nhà nước được ban hành trong thời gian qua, Luật mới đã bổ sung khái niệm “Quy phạm pháp luật” (Điều 3), đồng thời hoàn thiện khái niệm “Văn bản quy phạm pháp luật”:

- Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

- Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này.

Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Về thẩm quyền, hình thức văn bản quy phạm pháp luật

Với chủ trương tiếp tục tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Luật mới đã giảm được 05 loại văn bản quy phạm pháp luật, gồm: nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội (trừ nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Ngoài ra, trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước (Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)…), Luật mới quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ hơn nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền, từ trung ương đến địa phương.

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Thực tiễn triển khai thực hiện cho thấy chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội là quá dài, không khả thi và thường xuyên phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển của đất nước. Để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong công tác lập pháp, Luật mới không quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội và chỉ quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm (Điều 31).

Về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

So với 02 Luật hiện hành, Luật năm 2015 có một số điểm đổi mới cơ bản về quy trình xây dựng, ban hành văn bản như sau:

- Tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong đó tập trung quy định về quy trình xây dựng chính sách.

- Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan, người có thẩm quyền khác theo đó bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản.

- Bổ sung nhiều quy định mới về việc tổ chức lấy ý kiến nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Và nhiều mới quan trọng khác như: bảo đảm quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội; về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; về những hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; về văn bản quy định chi tiết; về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; về việc bảo đảm cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việt Đức