Trong thời gian qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ta đã có những bước phát triển ổn định, đạt được những kết quả quan trọng cả về thể chế, tổ chức, bộ máy. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, công tác này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, ngày 20/11/2014, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật hộ tịch. Đây là lần đầu tiên có văn bản ở tầm Luật điều chỉnh riêng lĩnh vực này sau hơn 60 năm thực hiện bằng các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ; là bước hoàn thiện khá căn bản về thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch của Việt Nam với nhiều quy định mới, mang tính đột phá, “cách mạng” như: gắn việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch; tạo điều kiện tối đa cho người dân và cơ quan nhà nước trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch nói riêng và các lĩnh vực khác có liên quan đến người dân nói chung; phân cấp thêm một bước về thẩm quyền đăng ký, mở rộng đáng kể hệ thống cơ quan đăng ký hộ tịch; nâng cao trách nhiệm của người quản lý, người thực hiện thông qua quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chuyên môn…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Luật hộ tịch đã được thông qua, nhưng tính “cách mạng”, hiệu quả của Luật sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch. Tầm quan trọng của công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, các yêu cầu nghiêm ngặt của công tác này về tính khách quan, trung thực, chính xác đòi hỏi công chức Tư pháp, nhất là công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã phải có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp và trách nhiệm, đạo đức công vụ cao, đồng thời phải luôn cập nhật những kỹ năng nghiệp vụ mới, hiện đại.
Bộ trưởng yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận những vấn đề cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, phân tích, làm rõ những khó khăn, thách thức đã, đang và sẽ gặp phải trong quá trình triển khai những nội dung mới của Luật để từ đó có những cách làm hay, những giảip pháp đột phá đảm bảo cho việc triển khai thi hành Luật hộ tịch trên cả nước kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
Bộ trưởng tin tưởng rằng, với những quy định mới của Luật hộ tịch, trong đó có những quy định về cán bộ làm công tác hộ tịch, cùng với sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương, việc triển khai thực hiện Luật sẽ đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu khách quan của công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã giới thiệu tới các đại biểu những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật hộ tịch; tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch; những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật hộ tịch. Tiếp đó, Hội nghị đã nghe và thảo luận về những vấn đề rất quan trọng có liên quan đến việc triển khai thi hành Luật như: cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; những cơ hội và thách thức khi UBND cấp huyện tiếp nhận thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài từ UBND cấp tỉnh; thực trạng và định hướng kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch; tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch và xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tại địa phương… Nhân dịp này, đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã trao đổi, giải đáp những thắc mắc của các đại biểu về các nội dung liên quan đến việc triển khai Luật.