Hội nghị pháp chế Bộ, ngành năm 2015

17/07/2015
Hội nghị pháp chế Bộ, ngành năm 2015
Sáng ngày 15/7/2015, tại Hải Phòng, Bộ Tư pháp phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị pháp chế Bộ, ngành năm 2015. Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo và người làm công tác pháp chế một số tổ chức pháp chế ở: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Hội nghị tập trung vào việc trao đổi, thảo luận về 4 nội dung chính sau: (i) báo cáo tổng quan về công tác pháp chế 6 tháng đầu năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2015 và giới thiệu dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; (ii) giới thiệu về tổ chức và hoạt động công tác pháp chế của BHXH Việt Nam và báo cáo kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam; (iii) trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác pháp chế, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác pháp chế của ngành BHXH, cho ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và (iv) trao tặng Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho các đồng chí đã và đang làm việc, có nhiều cống hiến cho công tác tư pháp, công tác pháp chế.

Theo báo cáo của đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác pháp chế ở các Bộ, ngành đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực công tác theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, đặc biệt là trong công tác xây dựng pháp luật với việc Quốc hội thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là đạo luật lớn, là “luật của luật”, theo đó, quy trình xây dựng quy phạm pháp luật đã có nhiều bước đột phá lớn. Bên cạnh đó, quá trình triển khai công tác pháp chế còn có một số khó khăn, vướng mắc sau: công tác pháp chế chưa được quan tâm sâu sắc ở một số Bộ, ngành, địa phương; tổ chức pháp chế được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành; cơ chế phối hợp giữa Bộ, ngành, địa phương chưa tốt; việc ban hành các Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ, ngành thời gian gần đây hướng dẫn chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn ở địa phương với Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong việc áp dụng pháp luật... Để giải quyết khó khăn, vướng mắc đó, hiện nay, Bộ Tư pháp đang trong quá trình tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành địa phương về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, trình Chính phủ trong thời gian tới.

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Từ khi thành lập đến nay, BHXH Việt Nam luôn coi trọng công tác pháp chế. Đặc biệt, công tác này đã được kiện toàn và đẩy mạnh một bước quan trọng từ sau khi có Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Một trong những nhiệm vụ được BHXH Việt Nam tập trung thời gian qua là việc tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức giao dịch điện tử, kết nối thông tin với các cơ sở khám chữa bệnh. Kết quả là, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 09/12/2010 của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1349/QĐ-BHXH về công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam. Theo đó, đã rút gọn từ 263 thủ tục xuống còn 115 thủ tục trong các lĩnh vực thu, chi, cấp sổ, thẻ, giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Để thực hiện tốt công tác pháp chế và cải cách thủ tục hành chính thời gian tới, BHXH Việt Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường hợp tác quốc tế về pháp chế; nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác pháp chế, kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Pháp chế, xây dựng tổ chức pháp chế ở địa phương cho ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát để giảm bớt thủ tục không cần thiết, phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm số thủ tục hành chính từ 115 xuống còn 50 thủ tục, rút ngắn thời gian kê khai nộp BHXH, BHYT không quá 49,5 giờ/năm; tích cực triển khai có hiệu quả kế hoạch tổ chức cuộc thi “Sáng kiến cải cách TTHC và giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN”…

Các đại biểu cũng tập trung trao đổi, thảo luận về việc triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP theo đặc thù của từng Bộ, ngành, qua đó, đánh giá những mặt được, chưa được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế của công tác pháp chế trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh, đây là Hội nghị thường niên về công tác pháp chế ở các Bộ, ngành. Tất cả nội dung của Hội nghị được bàn thảo thấu đáo, với tinh thần trách nhiệm cao, đã đạt được mục tiêu mà Hội nghị đề ra. Bộ Tư pháp đánh giá cao kết quả hoạt động trong công tác pháp chế ở các Bộ, ngành trong đó có BHXH Việt Nam thời gian qua và ghi nhận, nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, với mục tiêu là tạo điều kiện tối đa cho công tác pháp chế ở Bộ, ngành ngày càng phát triển và phát huy vai trò của công tác pháp chế đối với công tác quản lý của Bộ, ngành.

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cũng đưa ra những nhận định chung về những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai công tác pháp chế ở Bộ, ngành như sau: (i) chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế Bộ, ngành ngày càng nhiều nhưng điều kiện để đảm bảo triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ kể cả về thẩm quyền của công tác pháp chế còn thiếu (về con người, kinh phí, cơ sở vật chất); (ii) việc phối kết hợp trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị về công tác pháp chế còn hạn chế.

Về phía Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực pháp chế trong phạm vi cả nước, từ pháp chế Bộ, ngành ở trung ương đến địa phương. Kết quả kiểm tra về việc triển khai công tác pháp chế ở Bộ, ngành, địa phương của Bộ Tư pháp gần đây cho thấy, trong quá trình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, các Bộ, ngành, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực thi pháp luật nhất là trong bối cảnh văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nhiều nhưng điều kiện về tổ chức thực thi pháp luật không tương xứng.

Nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong bối cảnh chung đó, về phía Bộ Tư pháp đang tập trung nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trình Chính phủ xem xét, ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, việc xây dựng đội ngũ pháp chế tinh thông về nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ban, ngành. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức đợt bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu, giúp cho người làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh Quốc hội thông qua nhiều văn bản Luật quan trọng, trong đó có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới phương thức quản lý nhà nước, đổi mới về chế độ báo cáo, hội họp, công tác đi kiểm tra, giảm phiền hà cho Bộ, ngành và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ với các cơ quan để tránh những lãng phí không cần thiết.

Thứ trưởng cũng đề nghị: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục triển khai thực tốt quy định Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, theo đó, củng cố kiện toàn tổ chức, tăng cường sự phối kết hợp, chú trọng đến việc tự học hỏi, nâng cao trình độ, tinh thông nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ được giao; hoàn thiện tổ chức pháp chế của Bộ, ban, ngành ở trung ương; rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ, có sự ưu tiên cho người có chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức pháp chế. Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát, sắp xếp, chuyển đổi vị trí trên cơ sở đề án vị trí việc làm để phù hợp với khối lượng công việc được giao.

Về hoạt động của tổ chức pháp chế: Thứ trưởng đề nghị người làm công tác pháp chế ở Bộ, ngành tiếp tục phát huy vai trò của mình, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo Bộ, ngành tập trung vào nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: tham mưu hoạch định chính sách; xây dựng văn bản; thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; theo dõi thi hành pháp luật; tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ các giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản QPPL để triển khai thi hành luật, pháp lệnh; chuẩn bị nguồn lực, kế hoạch triển khai, tập huấn một số đạo luật mới, quan trọng mới được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành về công tác pháp chế. Đối với người đứng đầu Bộ, ngành cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức pháp chế; đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, đảm bảo điều kiên cần thiết để ổ chức pháp chế hoạt động tốt hơn trong thời gian tới.

Thứ trưởng giao Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp  quan tâm hơn nữa, có nhiều sáng kiến tham mựu cho lãnh đạo Bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác pháp chế trong pham vi cả nước, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để Bộ trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Nhân dịp này, Bộ Tư pháp công bố quyết định về việc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho 73 cá nhân vì đã có nhiều thành tích đóng góp cho công tác tư pháp, công tác pháp chế./.

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật