Đoàn công tác liên ngành thực hiện khảo sát tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm tại Quảng Nam

19/03/2010
Đoàn công tác liên ngành thực hiện khảo sát tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm tại Quảng Nam
Trong chuyến công tác tại 5 tỉnh miền Trung, ngày 18/3/2010 đoàn khảo sát liên ngành về tình hình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm do Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Quảng Nam.

Tham dự buổi làm việc về phía địa phương có các đ/c đại diện Tỉnh uỷ, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát, Toà án nhân dân, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,  Bộ đội biên phòng tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh...

Tỉnh Quảng Nam là một tỉnh còn nghèo, có diện tích rộng, dân số đông với 18 huyện, thành phố, 240 xã, phường, thị trấn, địa bàn đi lại gặp nhiều khó khăn nhất là địa bàn các huyện miền núi.

Các báo cáo của đại diện Tỉnh uỷ Quảng Nam, Thành uỷ Tam Kỳ cho thấy tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh trong những năm qua diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng về số vụ, số đối tượng phạm tội, phức tạp về tính chất, mở rộng về quy mô, địa bàn và thủ đoạn đối phó của tội phạm cũng tinh vi, xảo quyệt hơn. Các loại tội phạm hình sự hoạt động ngày càng nguy hiểm, sử dụng công cụ, vũ khí nóng để hoạt động phạm tội. Trong đó đã xuất hiện, hình thành các băng, ổ nhóm với quy mô liên kết lan rộng trên địa bàn liên huyện, liên tỉnh và có sự cấu kết với các đối tượng phạm tội chuyên nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn. Tội phạm về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, nguồn ma túy được đưa vào địa bàn tỉnh chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc, phần lớn địa bàn hoạt động là miền núi, tập trung vào các bãi khai thác khoáng sản trái phép ở huyện Nam Giang, Phước Sơn, Tiên Phước.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm, các cấp ủy Đảng không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm góp phần tạo sự ổn định chung của toàn tỉnh, phục vụ công tác xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Các cấp ủy Đảng luôn bám sát thực tế của địa phương cũng như nắm bắt kịp thời các diễn biến, tác động của tình hình bên ngoài để chủ động đề ra các chủ trương, định hướng cho các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức thực hiện có hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm. Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy được tiến hành thường xuyên, lồng ghép với các mô hình hoạt động từ địa bàn cơ sở gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng gia đình văn hóa, tộc họ, thôn bản văn hóa… Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh thường xuyên duy trì mối quan hệ phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống tội phạm.

Từ những kết quả trong công tác phòng, chống tội phạm cũng như những hạn chế, Quảng Nam rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm muốn đem lại kết quả thực sự phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể để tạo nên sức mạnh tổng hợp; cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn thể nhân dân nhằm làm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, từ đó tích cực tham gia với tinh thần đồng thuận, tự giác cao nhất.

- Trong quá trình thực hiện, để nâng cao hiệu quả cần có sự nghiên cứu, đổi mới phương pháp và hoạt động để đưa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đi vào chiều sâu, sát hợp với tình hình thực tế, làm cho mỗi người dân tự giác nâng cao ý thức, tham gia với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Bên cạnh đó phải chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đồng thời khen thưởng kịp thời tạo động lực cho phong trào.

- Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc và quán triệt phương châm “phòng ngừa là cơ bản, gia đình là tế bào, làng xóm, cơ quan, đơn vị, trường học làm điểm tựa, lực lượng Công an làm nòng cốt” trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm. Thực tiễn cho thấy nơi nào có sự phối hợp đồng bộ giữa các đoàn thể, tổ chức, gia đình thì nơi đó phong trào phát triển mạnh, đúng hướng, đem lại hiệu quả cao, tạo động lực mạnh mẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và tạo nên nền an ninh chính trị vững mạnh.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động các mô hình cho phù hợp với tình hình của địa phương để đi vào hoạt động có hiệu quả.

Sau các báo cáo là phần hỏi và trả lời. Đoàn khảo sát đã nhận được thêm nhiều thông tin về tình hình tội phạm và công tác phòng, chống tội phạm tại địa phương qua trao đổi với đại diện các ban, ngành địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên cho rằng: Các cấp uỷ đảng của Quảng Nam đã triển khai kịp thời, có bài bản và đồng bộ Nghị quyết 09/CP cũng như Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm; Qua các phong trào quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm có thể thấy rằng các cấp uỷ đảng đã nhận thức đúng tinh thần của Nghị quyết là để đấu tranh hiệu quả với tội phạm cần phải lấy phòng ngừa là chính và huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào cuộc đấu tranh này; Quảng Nam đã duy trì được sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành trong phòng, chống tội phạm, trong đó có vai trò nòng cốt của lực lượng công an. Thứ trưởng Thường trực cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của địa phương về tăng cường trang thiết bị cho lực lượng công an để nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm, về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn, về tăng thêm kinh phí phòng, chống tội phạm cho địa phương trong những năm tiếp theo. Các kiến nghị này sẽ được trình bày cụ thể tại báo cáo chung của đoàn khảo sát gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Đỗ Thuý Vân