Đoàn công tác liên ngành thực hiện khảo sát tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm tại Nghệ An

18/03/2010
Đoàn công tác liên ngành thực hiện khảo sát tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm tại Nghệ An
Ngày 16/3/2010 đoàn khảo sát liên ngành về tình hình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm theo Kế hoạch số 12/KH-BCĐ138 ngày 12/2/2010 của Ban Chỉ đạo 138/CP do Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên dẫn đầu tiếp tục làm việc tại Nghệ An.

Tham dự buổi làm việc về phía địa phương có đ/c Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn ma tuý mại dâm; đại diện Công an tỉnh; đại diện CA thành phố Vinh; đại diện VKSND, Hội Liên hiệp phụ nữ, Biên phòng, Thành uỷ Vinh, Cục Hải quan, TAND, Sở LĐTBXH và Sở Tư pháp tỉnh.

Báo cáo của Tỉnh uỷ Nghệ An cho thấy với các đặc điểm về tự nhiên, kinh tế và xã hội như diện tích lớn, dân số tương đối đông, đường biên giới trên bộ dài tới 419,5 km, tôn giáo đa dạng, Nghệ An có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Theo thống kê từ 01/01/1998 đến 31/12/2009 toàn tỉnh đã phát hiện được 20.337 vụ phạm tội các loại. Tội phạm tham nhũng xảy ra chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai. Tội phạm ma tuý hoạt động phức tạp, liều lĩnh. Tội phạm về trật tự xã hội tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp.

Trước tình hình tội phạm phức tạp như trên, các cấp uỷ Đảng đã chỉ đạo quán triệt và triển khai kịp thời, sâu rộng các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Trung ương về công tác PCTP. UBND tỉnh có kế hoạch số 364/KH-UB ngày 17/11/1998 ban hành Chương trình công tác PCTP và kế hoạch số 365/KH-UB ban hành Chương trình công tác PCMT giai đoạn 1998-2000; thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) PCTP và BCĐ phòng chống AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm của tỉnh. 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, 19/19 huyện, thành, thị và 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập được BCĐ PCTP và BCĐ phòng chống AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm. Hàng năm Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đều thành lập các đoàn kiểm tra do các đồng chí Uỷ viên BTV hoặc Uỷ viên BCH Tỉnh uỷ, Thành viên BCĐ phòng chống AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm và PCTP tỉnh làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả công tác PCTP, PCMT và tệ nạn xã hội ở các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành, thị; các xã, phường, thị trấn.

Đặc biệt, trước các diễn biến phức tạp của tội phạm Tỉnh uỷ đã ban hành nhiều Chỉ thị như Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo phòng chống tệ nạn ma tuý và hiểm hoạ HIV/AIDS; Chỉ thị về đấu tranh chống tệ nạn cờ bạc; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông v..v... Các cấp uỷ đảng coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nội chính, quan tâm lãnh đạo củng cố sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang (Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng) các ngành liên quan (Toà án, VKS, Thanh tra, Tư pháp, MTTQ) trong thực hiện công tác phòng, chống tội phạm. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc cũng được chú trọng. Bên cạnh đó, các cấp uỷ đảng chỉ đạo phát động sâu rộng các cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", "Xây dựng gia đình, xóm, làng, bản, đơn vị văn hoá; xã, phường, cơ quan, đơn vị không có tội phạm và TNXH"...

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, trong 12 năm qua nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể về vai trò, trách nhiệm phòng, chống tội phạm được nâng lên rõ rệt. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về pháp luật, về đề cao cảnh giác phòng chống tội phạm được thực hiện có bài bản, quy mô. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được khơi dậy cả diện rộng lẫn chiều sâu; xây dựng và nhân rộng được một số mô hình xã, phường, cơ quan an toàn và các mô hình quần chúng ở cơ sở hoạt động có hiệu quả thiết thực. Các cơ quan tố tụng đã điều tra, xử lý hàng ngàn vụ án, bắt hàng ngàn đối tượng đảm bảo an toàn, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, kìm giữ sự gia tăng tội phạm, không để phát sinh các tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen.

Các bài học kinh nghiệm mà Nghệ An rút ra là: 1) tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự điều hành của chính quyền, nhất là vai trò của Đảng bộ, chi bộ cơ sở là nhân tố quyết định thắng lợi trong quá trình thực hiện; 2) Phải quan tâm chỉ đạo lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm với các chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; 3) Phải tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và ý thức PCTP, PCMT cho nhân dân; 4) Phải quan tâm xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Cuối buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên kết luận: Báo cáo của Tỉnh uỷ Nghệ An về công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm đã được chuẩn bị tương đối công phu, theo đúng yêu cầu đã đề ra tại Kế hoạch khảo sát. Báo cáo phản ánh sát thực tế và qua đó, đã giúp đoàn khảo sát nắm rõ được tình hình phòng, chống tội phạm ở địa phương. Việc triển khai Nghị quyết 09/CP và chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm có bài bản, công tác chỉ đạo có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng công tác phòng ngừa tội phạm. Đặc biệt, địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình, áp dụng các biện pháp thiết thực để huy động sức mạnh toàn dân. Các bài học mà Nghệ An đã rút ra được từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tội phạm thực sự đáng ghi nhận và sẽ là kinh nghiệm có ích, tuy nhiên, cần phải trình bày cụ thể hơn. Thứ trưởng Thường trực thay mặt đoàn khảo sát cảm ơn sự đón tiếp chu đáo của địa phương và mong muốn rằng Nghệ An là địa bàn trọng điểm, nên luôn luôn phải đề cao cảnh giác, phát hiện kịp thời, xử lý triệt để tội phạm, nhất là tội phạm về ma tuý.

Sau khi kết thúc buổi làm việc tại Nghệ An, Đoàn lên đường đi Thừa Thiên Huế tiếp tục buổi làm việc tại Thừa Thiên Huế vào ngày 17/3/2010.

Đỗ Thúy Vân