Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-BCĐ138 ngày 12/2/2010 của Ban Chỉ đạo 138/CP về "Thành lập đoàn khảo sát tình hình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm" ngày 14/3/2010, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên dẫn đầu đoàn công tác liên ngành số 4 tiến hành khảo sát tại 5 tỉnh miền trung: Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Tham gia đoàn khảo sát có đại diện Văn phòng Thường trực phòng chống tội phạm và ma tuý, Bộ Công an; Văn phòng Trung ương Đảng, Đại học Luật Hà Nội; Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp; Văn phòng Đảng uỷ Công an Trung ương; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 138, Bộ Công an; Tạp chí Văn phòng Thường trực phòng chống tội phạm và ma tuý.
Nội dung khảo sát bao gồm: 1) Khảo sát tình hình tội phạm ở địa phương trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/CP về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; 2) Đánh giá thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng trong công tác phòng, chống tội phạm; 3) Tồn tại, hạn chế của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguyên nhân; 4) Vai trò tham mưu của lực lượng Công an; 5) Kiến nghị, đề xuất của địa phương để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; 6) Góp ý dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm.
Ngày 15/3/2010, đoàn khảo sát bắt đầu làm việc tại trụ sở Văn phòng tỉnh uỷ tỉnh Thanh Hoá. Tham dự buổi làm việc về phía địa phương có đại diện Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, huyện uỷ Nga Sơn.
Báo cáo của Tỉnh uỷ Thanh Hoá cho thấy kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự tại địa phương đã đạt hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận. Số vụ phạm tội hàng năm giảm khoảng 4%, nhiều loại trọng án giảm. Các lực lượng chức năng đã liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Số vụ việc xâm hại trật tự quản lý kinh tế được phát hiện, điều tra, xử lý năm sau luôn cao hơn năm trước. Kết quả đấu tranh trấn áp tội phạm đã góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, bảo đảm tốt trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Qua khảo sát thấy rằng trong 12 năm qua các cấp uỷ đảng luôn xác định công tác phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh trật tự là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Ban chỉ đạo 138/CP tổ chức triển khai, thực hiện trên địa bàn cả nước, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12 chỉ đạo các các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện, thành lập Ban chỉ đạo 138 tỉnh, xây dựng 2 Đề án, Kế hoạch tổng thể và các văn bản hướng dẫn triển khai, thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, giao Công an tỉnh là cơ quan thường trực.
Các cấp uỷ đảng đã thực hiện chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm bằng cách xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, duy trì hoạt động của các tổ tuần tra, tổ hoà giải.... Trong các mô hình phải kể đến mô hình "khu dân cư an toàn về an ninh trật tự" được xây dựng từ năm 2008 theo Chỉ thị số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Qua 1 năm thực hiện, trên cơ sở bình xét ở khu dân cư xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xét duyệt và ra quyết định công nhận 3.787 thôn, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn “khu dân cư an toàn về ANTT” (chiếm 63,4% tổng số khu dân cư).
Các bài học kinh nghiệm mà Thanh Hoá rút ra là ở nơi nào cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo thì công tác phòng, chống tội phạm ở nơi đó đạt kết quả cao. Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công nhân viên và nhân dân là hết sức quan trọng trong phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, lực lượng công an phải thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Các ngành Tư pháp tăng cường công tác phối hợp, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực.
Tại buổi làm việc đoàn khảo sát cũng đã được nghe báo cáo điển hình trong công tác phòng, chống tội phạm của đại diện huyện uỷ huyện Nga Sơn. Huyện uỷ Nga Sơn đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình trong phòng, chống tội phạm, xác định công tác phòng ngừa tội phạm là hết sức quan trọng. Để phòng ngừa tội phạm cấp uỷ huyện Nga Sơn đã tập trung vào các biên pháp: 1) Phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, do đó đã giảm số hộ nghèo xuống 5% mỗi năm; 2) Khôi phục phát triển nền văn hoá dân tộc, xây dựng làng xã văn hoá; 3) Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân, đã dành hơn 80 triệu đồng hàng năm cho công tác tuyên truyền; 4) Tăng cường sự vận động của các cấp uỷ đảng đối với quần chúng. Đặc biệt, huyện uỷ đã xây dựng và thực hiện đề án doanh nhân với an ninh trật tự để xây dựng quỹ và tạo công ăn việc làm cho đối tượng người phạm tội, cai nghiện về với cộng đồng. Đảng uỷ Nga Sơn cũng đã quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan này, thực hiện giao ban với 3 ngành tư pháp thường xuyên.
Cuối buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên kết luận: Báo cáo của Tỉnh uỷ Thanh Hoá về công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm đã đánh giá được tương đối toàn diện vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tội phạm tại Thanh Hoá. Đặc biệt Thứ trưởng Thường trực đánh giá cao báo cáo điển hình của huyện uỷ Nga Sơn, qua đó thấy rằng cấp đảng uỷ tại địa phương đã thực sự trăn trở với công tác phòng, chống tội phạm. Việc triển khai Nghị quyết 09/CP và chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm có bài bản, công tác chỉ đạo có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng công tác phòng ngừa tội phạm, đặc biệt, địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình, áp dụng các biện pháp thiết thực để huy động sức mạnh toàn dân. Tại đợt tổng kết 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP cần phải nghiên cứu đưa các mô hình này nhân rộng, phát huy trên toàn quốc.
Thứ trưởng Thường trực rất nhất trí với quan điểm cần phải huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, vì chỉ có như vậy, hoạt động phòng chống tội phạm mới đạt hiệu quả cao góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình chính trị xã hội.
Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong công tác tham mưu cho các ngành các cấp để có những biện pháp phòng ngừa tội phạm hiệu quả, đặc biệt là vai trò của lực lượng này trong đấu tranh chống tội phạm.
Thứ trưởng Thường trực cũng cho rằng nhận thức của cán bộ đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội về mục đích phòng chống tội phạm là nhằm ổn định an ninh chính trị xã hội ngày được nâng cao. Điều này góp phần kiểm soát được tình hình tội phạm. Cơ chế phối hợp và việc xây dựng các mô hình phòng, chống tội phạm trên cơ sở phát huy vai trò của quần chúng đã đạt được hiệu quả. Một số mô hình phòng chống tội phạm đã hướng vào trọng tâm phòng ngừa, cần phải được tiếp tục phát huy, tránh tình trạng "đánh trống bỏ rùi"
Thứ trưởng Thường trực cũng nhất trí cần phải đưa ra các kiến nghị trong lần tổng kết 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP sắp tới như việc cần thiết phải nâng Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm lên thành Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; tập trung các ban chỉ đạo như ban chỉ đạo 138/CP, 130/CP... hiện nay tại địa phương thành một đầu mối; tăng cường lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tội phạm, tăng biên chế, hiện đại hoá trang thiết bị cho ngành công an.
Sau khi kết thúc buổi làm việc tại Thanh Hóa, chiều cùng ngày Đoàn lên đường đi Nghệ An và tiếp tục buổi làm việc vào ngày 16/3/2010.
Đỗ Thuý Vân