Dự kiến xây dựng 18 văn bản hướng dẫn
Báo cáo về định hướng lớn xây dựng Nghị định nêu trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy cho biết, sau khi Luật THADS 2008 ra đời, các cấp có thẩm quyền đã ban hành 51 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Thực hiện chủ trương hạn chế tình trạng có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, gây khó khăn, phức tạp trong quá trình áp dụng pháp luật, cần gộp 3 Nghị định thành 1 Nghị định để quy định chi tiết các vấn đề trong Luật THADS và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS đã giao Chính phủ hướng dẫn; các thông tư, thông tư liên tịch cũng được gộp lại theo nhóm vấn đề và thẩm quyền ban hành. Qua rà soát, dự kiến cần xây dựng 17 văn bản, gồm 1 Nghị định, 8 Thông tư liên tịch, 8 Thông tư để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS.
Dự kiến cơ cấu Nghị định sẽ gồm 4 chương, gồm: quy định chung; về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS, công chức làm công tác THADS; thủ tục THADS; và điều khoản thi hành. Trừ những nội dung đã được luật hóa hoặc bãi bỏ, hoặc không còn phù hợp với Luật sửa đổi, các nội dung còn lại sẽ được hút toàn bộ vào dự thảo Nghị định mới. Riêng phần nội dung của Nghị định số 58/CP và Nghị định số 125/CP liên quan đến quy định miễn giảm khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước được tách riêng để đưa vào Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNTC về miễn giảm khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước.
Ngoài những nội dung này, Nghị định sẽ hướng dẫn các vấn đề: quy định việc miễn, giảm phí thi hành án cho người được THA trong trường hợp họ cung cấp thông tin chính xác về điều kiện THA của người phải THA và các trường hợp khác; ra quyết định, xác minh điều kiện THA; quy định chi tiết việc đăng thông tin của người phải THA chưa có điều kiện THA trên trang thông tin điện tử về THADS và gửi cho UBND cấp xã nơi xác minh để niêm yết; quy định việc cấp giấy chứng nhận trong trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không có hoặc không thu hồi được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định danh sách cơ quan THADS thuộc địa bàn được tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển. Ngoài ra, dự thảo dự kiến quy định thêm các vấn đề kê biên tài sản chuyển dịch sau khi có án sơ thẩm nhưng chưa hoàn thành thủ tục chuyển dịch; phí THA.
Nghị định cần giải quyết vướng mắc trong thực tiễn
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đồng tình với nhận định, hiện nay do có quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật THADS nên việc áp dụng hết sức khó khăn, khó không chỉ với cán bộ làm công tác pháp luật mà người dân khi cần tra cứu cũng rất nan giải; đặc biệt là các vấn đề về trình tự, thủ tục THADS. Nhiều ý kiến đồng thuận cần thu hút các quy định nói trên vào một dự thảo để thuận lợi cho việc áp dụng tuy nhiên, cần lưu tâm đến vấn đề về kỹ thuật bởi với một Nghị định đồ sộ như vậy việc đặt quy định nào trước, quy định nào sau cũng phải cân nhắc. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến lo ngại thời gian từ nay đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS có hiệu lực không còn nhiều (Luật sửa đổi có hiệu lực từ 01/7/2015) vì thế sẽ khó để xây dựng một Nghị định “tầm cỡ” như vậy.
Phát biểu tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng ban Ban soạn thảo nhất trí một số quan điểm mang tính định hướng mà tổ biên tập đưa ra, đồng thời đặc biệt lưu ý, Nghị định hướng dẫn thi hành phải đảm bảo không trái các quy định của Luật; đảm bảo tính thống nhất và khả thi, giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn THADS. Riêng về phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng thống nhất xây dựng Nghị định hướng dẫn về tổ chức, bộ máy và trình tự thủ tục như Tổ biên tập nêu. Đồng thời Thứ trưởng yêu cầu tổ biên tập đẩy nhanh tiến độ công việc, rà soát các văn bản liên quan đến những vấn đề nói trên để xem những gì có thể thu hút vào Nghị định mới. Sau cuộc họp Ban soạn thảo sẽ trình xin ý kiến Bộ trưởng.
Thu Hằng
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy “nếu thực hiện theo phương án gộp 3 Nghị định thành 1 thì sẽ rút gọn được số lượng văn bản, thuận lợi trong việc áp dụng, tuy nhiên, số lượng điều của Nghị định sẽ rất lớn, khó đảm bảo được tiến độ hoàn thành.” |