Những tâm huyết với công tác Tư pháp của các Bộ, ngành, địa phương

16/01/2015
Những tâm huyết với công tác Tư pháp của các Bộ, ngành, địa phương
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015 diễn ra ngày 15/01, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã thể hiện sự quan tâm của mình đối với công tác tư pháp và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này trong năm nay.
 

* Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: Xử lý nghiêm các vi phạm hành chính để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng

Năm 2014, công tác xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chú trọng. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác XLVPHC. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về bộ máy quản lý, về thể chế, về các điều kiện bảo đảm thi hành. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm việc kiện toàn tổ chức bộ máy liên quan đến công tác XLVPHC, sắp xếp bổ sung biên chế làm công tác theo dõi thi hành pháp luật về XLVPHC. Hiện Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở KH&CN, trong đó đề nghị đưa chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, nhân lực làm pháp chế trong tổ chức của Sở. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng kiến nghị Bộ Tư pháp cần tổ chức nhiều buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ làm công tác theo dõi thi hành về pháp luật XLVPHC.

Trong năm 2015, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục triển khai công tác thanh tra, XLVPHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đảm bảo việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực KH&CN, sở hữu công nghiệp, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, an toàn bức xạ, hạt nhân; xử lý nghiêm các vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đo lường, chất lượng hàng hóa để làm lành mạnh môi trường kinh doanh, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong tình hình mới.

* Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn: Quan tâm giới thiệu lãnh đạo cơ quan tư pháp địa phương tham gia cấp ủy

Trong thành tựu chung của TP.Hà Nội có sự đóng góp quan trọng của ngành Tư pháp Thủ đô. Tư pháp Thủ đô ngày càng vào cuộc sâu hơn, hiệu quả hơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp; tham gia tích cực trong giải quyết những vấn đề thực tiễn, bức xúc của thành phố, nhất là các giải pháp nhằm huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế, môi trường sản xuất, đầu tư, kinh doanh, xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Năm 2015 là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, chúng tôi rất mong Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp quan tâm phối hợp với Tỉnh ủy, Thành ủy trong việc giới thiệu lãnh đạo cơ quan tư pháp địa phương tham gia cấp ủy; bố trí, sắp xếp, điều chuyển, luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bộ Tư pháp cũng cần có hướng dẫn lộ trình triển khai thực hiện những Luật mới trong công tác tư pháp như Luật Hộ tịch, Luật Công chứng. Cụ thể, đối với Luật Hộ tịch, UBND thành phố đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, cho phép việc thí điểm chức danh công chức Tư pháp cấp phường, trao thẩm quyền ký các văn bản, giấy tờ về hộ tịch, chứng thực cho công chức Tư pháp cấp phường; đối với Luật Công chứng, đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn về trần thù lao công chứng, thu phí chứng thực, dịch thuật công chứng…

* Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quan: Quyết tâm không để nợ đọng văn bản

Được giao chủ trì 6 Nghị định quy định chi tiết Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành trong tháng 2, tháng 3/2015. Đối với các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ cũng sẽ tập trung hoàn thành bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, Bộ sẽ tiếp tục tập trung vào một số giải pháp như củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Vụ Pháp chế và bộ phận làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ; thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi trong từng lĩnh vực tham gia vào đội ngũ cộng tác viên xây dựng pháp luật. Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất sớm có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế.

* Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Lê Thành Long: Cần có sự quan tâm lớn đến nguồn lực biên chế

Năm 2014, ngành Tư pháp Hà Tĩnh đã thực hiện toàn diện, đều tay các lĩnh vực của công tác tư pháp, cơ bản bám sát những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Tư pháp đề ra cũng như những nhiệm vụ, yêu cầu của địa phương, góp phần vào thành quả chung về kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, có một số điểm nhấn là triển khai nghiêm túc từ tỉnh xuống cấp xã các văn bản luật quan trọng như Hiến pháp, Luật Đất đai…; có điểm sáng trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo điểm khởi đầu để nhấn sâu công tác này trong thời gian tới; tham gia ngay từ đầu với các cơ quan để cung cấp ý kiến pháp lý trong các dự án đầu tư, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh như Phòng Tư pháp huyện Kỳ Anh cùng các ngành liên quan rà soát gần 1.100 hồ sơ pháp lý; thi hành án dân sự vượt chỉ tiêu được giao cả về việc, tiền.

Năm 2015, chúng tôi sẽ quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tiếp tục bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ý kiến của các đơn vị có liên quan thuộc  BộTư pháp, bám sát nhiệm vụ chính trị, an ninh – quốc phòng, kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, sẽ chỉ đạo ngành Tư pháp tỉnh tham gia đầy đủ vào các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng sắp tới nhằm thấy được vai trò quan trọng của thể chế, cải cách thủ tục hành chính vào quá trình phát triển; cố gắng giới thiệu các đồng chí đủ điều kiện trong ngành Tư pháp tham gia cấp ủy các cấp; xây dựng Nghị quyết của Ban Cán sự trình Đảng bộ về công tác tư pháp, cải cách tư pháp. Chúng tôi sẽ cố gắng bố trí trong khả năng của địa phương nhưng đề xuất là cần tiếp tục có sự quan tâm lớn đến nguồn lực biên chế, tránh xảy ra tình trạng “có đầu mà không có đuôi” tức là giao nhiệm vụ mà không có cán bộ thực hiện.

Cẩm Vân


ảnh Cục Công nghệ thông tin