Các Bộ, ngành, địa phương chung sức triển khai công tác tư pháp

15/01/2015
Tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2014, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, công tác tư pháp không phải là nhiệm vụ riêng của Bộ Tư pháp mà là nhiệm vụ chung của các Bộ, ngành, địa phương. Nhận thức sâu sắc chỉ đạo của Phó Thủ tướng, công tác tư pháp năm qua đã thực sự được các Bộ, ngành, địa phương chung sức triển khai.

* Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng: Sự phối hợp giữa hai Bộ đã đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực

Trong năm 2014, sự phối hợp giữa hai Bộ đã đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực: từ công tác xây dựng pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác kiểm soát thủ tục hành chính đến công tác hợp nhất văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt, trong việc thực hiện Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896).

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện đối với Đề án; tham gia góp ý các đề án quan trọng của Bộ Tư pháp như Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Đề án Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền; Dự thảo Luật Hộ tịch và nhiều đề án, văn bản khác.

Công tác phối hợp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của Bộ Tư pháp đạt những kết quả đáng kể giúp Bộ Tư pháp luôn đạt được thứ hạng cao theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT hàng năm của Bộ TTTT. Đặc biệt, trong năm 2013 (báo cáo Chính phủ, công bố trong năm 2014), mức độ ứng dụng CNTT của Bộ Tư pháp đã được đánh giá, xếp thứ 2 trong khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ (tăng 06 bậc so với năm 2012).

Trong năm 2015, Bộ TTTT sẽ tăng cường công tác phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ đặc biệt là phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội thông qua dự án Luật An toàn thông tin và trình Quốc hội cho ý kiến Luật Báo chí sửa đổi. Bên cạnh đó, Bộ TTTT tham gia tích cực Ban soạn thảo và Tổ biên tập và nghiên cứu, tham gia góp ý kiến vào các dự án, dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản QPPL do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng.

Bộ TTTT tiếp tục xây dựng Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về TTTT giai đoạn 2013-2017 và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc triển khai hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực TTTT hoạt động có hiệu quả. Tiếp tục triển khai các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTTT;

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Tư pháp trong việc triển khai Đề án 896, đặc biệt là việc triển khai, kết nối các CSDL Quốc gia phục vụ việc đơn giản thủ tục hành chính. Thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực thuộc Bộ Tư pháp.

* Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Triển khai khá toàn diện và đồng bộ các hoạt động phối hợp

Trong năm 2014, các hoạt động phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đã được triển khai khá toàn diện và đồng bộ trên tất các lĩnh vực thuộc công tác pháp chế quy định tại Nghị định số 55/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Trong đó nổi bật nhất là các hoạt động phối hợp trong công tác lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, công tác theo dõi thi hành pháp luật và công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Với sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp trong các lĩnh vực này, Bộ Y tế đã hoàn thành việc trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược; tiến hành nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ về các lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính; tổ chức các đợt kiểm tra, khảo sát theo chuyên đề về tình hình thực hiện pháp luật tại một số địa phương.... Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã tích cực hỗ trợ các bộ, ngành, trong đó có Bộ Y tế trong việc xây dựng cũng như thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành. Đặc biệt, trong năm 2014, Bộ Y tế đã cùng Bộ Tư pháp ký kết Quy chế phối hợp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức triển khai thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực y tế, Bộ Y tế cũng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của Bộ Tư pháp liên quan đến việc giải đáp, xử lý các vướng mắc về mặt pháp lý.

Bước sang năm 2015, Bộ Y tế dự kiến tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 cũng như tổ chức thực hiện các hoạt động phối hợp trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn trong đó chú trọng tăng cường phối hợp trong các hoạt động xây dựng pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và giải đáp, xử lý các vướng mắc về mặt pháp lý trong quá trình tổ chức triển khai thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực y tế.

* Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Bích Tần: 5 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014 đạt được nhiều kết quả cụ thể

Để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2014, ngay từ đầu năm, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tư pháp và của UBND tỉnh Bắc Giang, Sở Tư pháp Bắc Giang đã xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2014, trong đó xác định 05 nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện đó là nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý. Nhờ thế, Tư pháp tỉnh đã đạt nhiều kết quả cụ thể như tham gia ý kiến đối với 94 dự thảo VBQPPL, thẩm định 58 dự thảo VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh; tham gia ý kiến đối với 44 TTHC trong 15 dự thảo văn bản QPPL, đảm bảo 100% VBQPPL có quy định về TTHC đều được Sở Tư pháp kiểm soát...

Năm 2015, chúng tôi đã đề ra một số định hướng công tác tư pháp, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là củng cố, kiện toàn tổ chức cơ quan tư pháp từ tỉnh đến huyện theo Thông tư liên tịch số 23 của Bộ Tư pháp – Bộ Nội vụ, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đặc biệt đối với đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp, tổ chức thực hiện tốt cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật...

Cẩm Vân (ghi)