Lễ công bố Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (Sửa đổi).

05/01/2015
Lễ công bố Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (Sửa đổi).
Chiều nay (05/01), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS (sửa đổi)).

Tham dự Lễ công bố còn có Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành của Trung ương, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam.

Công bố Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long khẳng định, việc lấy ý kiến Nhân dân đối với BLDS (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân, bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống Nhân dân.

   

Công bố Quyết định ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho biết: nhân dân có thể góp ý đối với toàn bộ dự thảo BLDS (sửa đổi); các hình thức góp ý bao gồm góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và một số hình thức phù hợp khác; thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo BLDS (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 05/01/2015 và kết thúc vào ngày 05/04/2015. Sau thời hạn trên, tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến sẽ gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20/09/2015.

Giới thiệu về những nội dung cơ bản của dự thảo BLDS (sửa đổi), Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, mục tiêu của việc xây dựng BLDS (sửa đổi) là nhằm làm cho BLDS thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện bình đẳng và chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự pháp triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

   

Bộ trưởng cũng nêu những vấn đề trọng tâm xin ý kiến Nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi) như: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức… và một số vấn đề quan trọng khác.

Điểm lại vai trò quan trọng của BLDS, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, BLDS là đạo luật lớn, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống nhân dân, là luật chung, luật nền cho các luật khác trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Việc lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện rộng rãi với mọi đối tượng kể cả người Việt Nam ở nước ngoài, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khoa học, tiết kiệm, phát huy quyền làm chủ và tập trung trí tuệ của Nhân dân đối với bộ luật quan trọng này.

   

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân các địa phương nghiêm chỉnh, khẩn trương thực hiện Nghị quyết 857/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi).

Phó Thủ tướng cũng đề nghị: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức lấy ý kiến trong toàn ngành về dự thảo BLDS (sửa đổi). Cơ quan tư pháp là bộ máy trực tiếp áp dụng các quy định của Bộ luật để giải quyết các việc dân sự. Do đó, ý kiến góp ý của các cơ quan Tòa án, Kiểm sát là đặc biệt quan trọng; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với dự thảo BLDS (sửa đổi); Hội luật gia VN và Liên đoàn Luật sư phát huy vai trò, huy động các thành viên tham gia tích cực vào quá trình lấy ý kiến; các cơ quan thông tin truyền thông có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các nội dung dự thảo BLDS (sửa đổi) để kịp thời phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân và đăng tải các ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo BLDS (sửa đổi) với các hình thức và thời lượng phù hợp; các cơ quan phải tổng hợp đầy đủ, chính xác mọi ý kiến góp ý của nhân dân. Đồng thời, yêu cầu Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến của nhân dân để hoàn thiện dự thảo BLDS (sửa đổi), công bố công khai việc tiếp thu, giải trình.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý về phương pháp, hình thức lấy ý kiến, qua kinh nghiệm của nhiều lần lấy ý kiến nhân dân trước đây, cần có cách làm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh trùng lắp, không in ấn quá nhiều giấy tờ, tài liệu không cần thiết. Cần phát huy hiệu quả của các phương pháp truyền thông qua mạng internet, qua hệ thống phát thành, truyền hình... Việc lấy ý kiến phải phù hợp với từng đối tượng: người dân, các nhà khoa học pháp lý, các nhà quản lý...