Bộ Tư pháp họp báo công tác quý IV năm 2014

31/12/2014
Bộ Tư pháp họp báo công tác quý IV năm 2014
Sáng nay (31/12), Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo công tác tư pháp quý IV năm 2014, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng – Người phát ngôn của Bộ Tư pháp chủ trì họp báo.

Tại cuộc họp, Chánh Văn phòng Trần Tiến Dũng cho biết, trong Quý IV Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Theo báo cáo, năm 2014, để triển khai thi hành Hiến pháp, Bộ Tư pháp đã rà soát được 102.306 văn bản; thẩm định 300 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); 123 điều ước quốc tế; kiểm tra theo thẩm quyền 3887 văn bản; tham gia ý kiến đối với 958 thủ tục hành chính (TTHC) quy định tại 108 dự thảo VBQPPL theo đó đề nghị bỏ 109 và sửa đổi 276 TTHC, thẩm định 707 TTHC tại 88 VBQPPL, theo đó đã đề nghị bỏ 108 và sửa đổi 378 TTHC không cần thiết, không hợp lý; trong tháng 10 và tháng 11/2014 cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý được 365.214 việc, về tiền thụ lý được hơn 74.888 tỷ (so với cùng kỳ năm trước về việc tăng 4,36%, về tiền tăng 34,73%); năm 2014, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đăng ký khai sinh, khai sinh lại cho 2.478.785 trường hợp, trong đó có 4.408 trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài và khai tử cho 511.773 trường hợp, trong đó có 722 trường hợp khai tử có yếu tố nước ngoài; đăng ký kết hôn cho 817.245 cặp, trong đó có 13.786 trường hợp có yếu tố nước ngoài; tính từ ngày 01/01/2014 đến 31/10/2014, Bộ Tư pháp đã xử lý và đưa vào lưu trữ 65.655 hồ sơ lý lịch tư pháp, tiếp nhận 140 hồ sơ yêu cầu và đã cấp 129 Phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam (tăng 77 Phiếu so với cùng kỳ năm 2013). Năm 2014, các địa phương trên cả nước đã cấp 300.108 Phiếu lý lịch tư háp (Phiếu số 1 là 230.387 và Phiếu số 2 là 69.721); những lĩnh vực quản lý nhà nước khác của Bộ Tư pháp cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Trần Tiến Dũng cũng thông tin thêm về những nội dung, định hướng cơ bản của dự án Luật Ban hành quyết định hành chính; dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng; dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; một số điểm mới của Luật Hộ tịch đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp Quý I năm 2015.

Trong phần thảo luận, một số lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp được các nhà báo đặc biệt quan tâm như: Quản tài viên, vụ kiện DialAsie, kết quả thi hành án dân sự...

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng khu vực và thế giới, sẽ không tránh khỏi tranh chấp quốc tế, vậy làm thế nào để phòng tránh rủi ro liên quan đến các vụ kiện quốc tế đối với Chính phủ Việt Nam được Phóng viên báo Dân trí đặt ra. 

   

Về vấn đề này, Người phát ngôn và đại diện Vụ Pháp luật quốc tế đã đưa ra một số biện pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh biện pháp “cảnh báo sớm”, từ khâu phê duyệt dự án đầu tư, cơ quan cấp phép và các cơ quan có liên quan cần có biện pháp cảnh báo sớm ngay khi bắt đầu có biểu hiện kiến nghị, khiếu nại, để giải quyết triệt để ngay từ đầu; bên cạnh đó, việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, cũng như khâu tổ chức thực thi pháp luật và kiểm tra rà soát các quy định của pháp luật cũng rất quan trọng.

Liên quan đến vấn đề một số dự thảo văn bản pháp luật của một số bộ, ngành xây dựng không hợp lý, không bảo đảm tính khả thi, Phóng viên báo Thanh niên đặt câu hỏi về vai trò của Bộ Tư pháp trong vấn đề này. Nhấn mạnh về tầm quan trọng của báo chí với vai trò phản biện xã hội, ông Trần Tiến Dũng cũng khẳng định, rất nhiều văn bản khi còn là dự thảo mà không bảo đảm tính khả thi cũng đã được các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh, vì vậy các bộ, ngành đã thảo luận, bỏ quy định không hợp lý, không khả thi ra khỏi dự thảo văn bản. Đồng tình với Chánh Văn phòng Bộ Trần Tiến Dũng, ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cũng cho biết thêm, với vai trò thẩm định VBQPPL trước khi ban hành (tiền kiểm), nếu không khả thi, Bộ Tư pháp sẽ có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành chủ trì xây dựng xem xét, cân nhắc. Đối với văn bản đã ban hành (hậu kiểm) cũng sẽ được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiểm tra rà soát và đề xuất biện pháp xử lý đối với văn bản không khả thi, không hợp lý.