Dự kiến 10 vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

31/12/2014
Ngày 30/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã chủ trì cuộc họp liên ngành để chuẩn bị xây dựng dự thảo Kế hoạch của Chính phủ và tổ chức việc công bố lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Thực hiện Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ Tư pháp đang tích cực chuẩn bị xây dựng dự thảo Kế hoạch của Chính phủ và tổ chức việc công bố lấy ý kiến Nhân về dự thảo Bộ luật quan trọng này. Một trong những nội dung được Nghị quyết 857 nhấn mạnh là sẽ lấy ý kiến Nhân dân đối với toàn bộ dự thảo sửa đổi, tập trung vào các vấn đề trọng tâm do Chính phủ xác định.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Hồng Hải cho biết, qua làm việc với các đơn vị liên quan, Bộ Tư pháp đã dự kiến 10 vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến để xin chỉ đạo của Chính phủ. Đây là những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, tương tự nhiều vấn đề khác của dự thảo sửa đổi, nhưng chúng mang tính cải cách, đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Các vấn đề này bao gồm trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, quyền nhân thân của cá nhân, chủ thể của quan hệ dân sự, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, thời hiệu, thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, hình thức sở hữu, lỗi trong trách nhiệm dân sự, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi.

Chẳng hạn, về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, theo ông Hải, Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành quy định nguyên tắc tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác đều được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ song chưa quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác trong việc thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật về vụ, việc dân sự đó. Để giải quyết bất cập trên, dự thảo BLDS bổ sung quy định Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự. Với quy định mới, loại ý kiến thứ nhất tán thành vì sẽ giúp bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân một cách kịp thời và triệt để, còn loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định bởi quy định này được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng dân sự thì phù hợp hơn…

Liên quan đến quyền nhân thân của cá nhân, Dự thảo BLDS cơ bản tiếp tục quy định như Bộ luật hiện hành, nhưng có sửa đổi, bổ sung một số quyền mới theo tinh thần, nội dung của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như bổ sung một điều khoản chung về các quyền nhân thân khác để bảo đảm hơn tính bao quát, tính dự báo của quy định về quyền nhân thân. Về nội dụng này, loại ý kiến thứ nhất đề nghị BLDS không nên quy định kiểu liệt kê tất cả các quyền nhân thân của cá nhân, một số quyền nhân thân như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo không nên quy định trong BLDS. Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định của Dự thảo BLDS, bảo đảm ghi nhận đầy đủ và cụ thể hóa các quyền nhân thân của cá nhân đã được Hiến pháp đề cập…

Chủ trì cuộc họp liên ngành diễn ra ngày 30/12, sau khi nghe các đại biểu phát biểu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, Nghị quyết 857 quyết nghị thời gian lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài bắt đầu từ ngày 5/1 – 5/4/2015. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu phải nhanh chóng hoàn chỉnh các tài liệu liên quan, nhất là về các vấn đề trọng tâm nêu trên, để tổ chức công bố lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo BLDS sửa đổi đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua đúng thời gian.

Cẩm Vân