Cán bộ là yếu tố quyết định thành công của công tác tư pháp

16/01/2015
Cán bộ là yếu tố quyết định thành công của công tác tư pháp
Để tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, nhất là cơ quan tư pháp địa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, đồng thời bảo đảm công tác tư pháp ngày càng gặt hái được nhiều thành công. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015 diễn ra chiều ngày 15/01, các đại biểu đã thảo luận sâu về triển khai Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV.

Đề cao trách nhiệm của chính quyền đối với đội ngũ cán bộ tư pháp

Giới thiệu về TTLT số 23/2014/TTLT-BTP-BNV (gọi tắt là TTLT 23) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Tiến Châu đã nêu những điểm mới của TTLT này so với TTLT số 01/2009/TTLT-BTP-BNV và nhấn mạnh TTLT được xây dựng theo tinh thần cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thực hiện tinh gọn bộ máy và đổi mới chế độ công chức, công vụ. Đặc biệt so với TTLT 01, TTLT 23 chú trọng quy định trách nhiệm thi hành Thông tư của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện.

Cụ thể, đối với UBND cấp tỉnh, Thông tư xác định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong kiện toàn tổ chức cán bộ của các cơ quan tư pháp địa phương, kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch, bảo đảm không bố trí công chức Tư pháp – Hộ tịch kiêm nhiệm công tác khác; kiện toàn tổ chức, bổ sung biên chế, sắp xếp cán bộ của tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; rà soát biên chế công chức, viên chức để báo cáo cơ quan có thẩm quyền phân bổ, điều chỉnh số lượng biên chế công chức và biên chế viên chức trong tổng số biên chế được giao cho Sở Tư pháp… Đối với UBND cấp huyện, Thông tư quy định trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các công tác tư pháp cấp xã. Việc quy định như trên  nhằm bảo đảm xác định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong việc tổ chức thực hiện Thông tư, tạo cơ sở cho việc tổ chức thực hiện công tác tư pháp một cách thống nhất, toàn diện từ Trung ương đến cơ sở.

Để triển khai hiệu quả TTLT 23, Bộ Tư pháp đề nghị UBND cấp tỉnh thực hiện đúng hướng dẫn của Thông tư. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ như ban hành Đề án kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương; thực hiện rà soát biên chế công chức, viên chức để báo cáo UBND cấp tỉnh đề xuất cơ quan có thẩm quyền phân bổ, điều chỉnh số lượng biên chế công chức và biên chế viên chức trong tổng số biên chế được giao; chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng trình UBND cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương, đặc biệt là cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, bảo đảm hoàn thành việc chuẩn hóa đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp 2015 - 2019 theo quy định của Luật Hộ tịch…

Trực tiếp gỡ vướng cho địa phương

Tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại phản ánh một số vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ do thiếu cán bộ tư pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thì đội ngũ cán bộ thực hiện có 2 người, gây quá tải trong khi thực hiện. Ngoài ra, pháp luật chưa có quy định miễn nhiệm giám định viên tư pháp với người nghỉ hưu, chuyển công tác mà quy định phải làm đơn xin rút mới điều chỉnh, bổ sung danh sách giám định viên tư pháp cũng ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm đội ngũ này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Ngọc Liêm cho biết, việc kiện toàn bộ máy pháp chế ở tỉnh chưa tiến hành xong do vướng mắc về biên chế cán bộ và đề xuất Bộ Tư pháp sớm tổ chức sơ kết Nghị định 55 để chỉ đạo, hướng dẫn tỉnh có bộ máy pháp chế ổn định, giúp UBND tỉnh thực hiện công tác pháp chế tốt hơn.

Đồng tình, nhất trí cao với TTLT 23, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An Trần Minh Mẫn phấn khởi chia sẻ, tư pháp địa phương mong chờ TTLT mấy năm nay vì chức năng, nhiệm vụ của ngành bổ sung rất nhiều, TTLT sẽ tạo điều kiện cho địa phương triển khai nhiệm vụ thuận lợi hơn, tiếp tục tạo khởi sắc cho công tác tư pháp. Tuy nhiên, ông Mẫn cũng nêu một số điểm vẫn còn băn khoăn, cần hướng dẫn thêm để địa phương dễ thực hiện. Về tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, cấu trúc phòng chức năng của Sở hiện giống TTLT 23 nhưng nếu không cụ thể thêm thì rất khó điều động, bố trí, sắp xếp cho chức năng, nhiệm vụ mới như xử lý vi phạm hành chính, lý lịch tư pháp. Ở Phòng Tư pháp, UBND huyện bố trí 5-6 biên chế, trong khi thêm nhiều nhiệm vụ mới mà biên chế không tăng, công việc đã quá tải nên địa phương rất lúng túng triển khai.

Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị lại kiến nghị lãnh đạo 2 Bộ  Tư pháp và Nội vụ có chỉ đạo quyết liệt để thực hiện đồng bộ TTLT 23 đúng tinh thần của Thông tư này, đồng thời chỉ đạo làm sâu Nghị định 55 để công tác tư pháp – pháp chế thống nhất, toàn diện. Ngoài ra, 2 Bộ cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện TTLT 23 để đôn đốc các địa phương triển khai, tạo khí thế mới cho toàn ngành triển khai nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho.

Giải đáp những băn khoăn, đề xuất của các địa phương, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã trực tiếp trả lời, góp phần gỡ vướng cho địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến khẳng định, pháp luật không quy định miễn nhiệm đương nhiên để thu hút nguồn lực khi giám định viên tư pháp hiện còn rất thiếu. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Tiến Châu giải thích, TTLT 23/2014/TTLT-BTP-BNV quy định rõ ràng về tên gọi của các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Tư pháp là nhằm đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ từ Trung ương tới địa phương, thuận lợi trong phối hợp công tác của các Sở Tư pháp trong phạm vi cả nước và thực hiện yêu cầu đổi mới chế độ công chức, công vụ cũng như tạo cơ sở để xác định vị trí việc làm của các Sở Tư pháp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức…

Cẩm Vân


ảnh Cục Công nghệ thông tin