Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch

28/11/2014
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch
Nhận lời mời của Phó Tổng Thư ký LHQ, Thư ký điều hành Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) và được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã dẫn đầu đoàn liên ngành của Việt Nam tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (CATBD) về đăng ký và thống kê hộ tịch (CRVS). Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng đầu tiên của khu vực CATBD về lĩnh vực này, được tổ chức tại Băng - cốc, Thái Lan từ ngày 24 đến ngày 28/11/2014, dưới sự đồng tổ chức của ESCAP và 7 tổ chức quốc tế lớn (UNICEF, UNDP, UNHCR, WHO, UNFPA, ADB, Plan), với sự tham dự của đại diện hầu hết các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và nhiều tổ chức phi chính phủ có quan tâm.

Hội nghị đã thảo luận về tầm quan trọng của công tác đăng ký và thống kê hộ tịch (CRVS) đối với sự phát triển ở mỗi quốc gia và khu vực, tác động của nó đối với chiến lược xóa bỏ đói nghèo do Liên hợp quốc phát động; thống nhất nhận định (mang tính khoa học gắn với thực tiễn ở các nước) về việc đăng ký và thống kê hộ tịch là việc ghi lại một cách liên tục, thường xuyên, bắt buộc và đầy đủ theo quy định của pháp luật các đặc điểm nhận dạng, kể cả những thay đổi, về thông tin nhân thân cơ bản của cá nhân (như sinh, tử và các sự kiện hộ tịch khác). Đóng vai trò chính trong việc thực hiện CRVS chủ yếu là các cơ quan đăng ký hộ tịch, các bộ ngành y tế, tư pháp, thống kê… và các đối tác phát triển.

Thông qua hoạt động đăng ký và thống kê hộ tịch (bao gồm cả việc xác định quốc tịch), giúp cho quốc gia thực hiện tốt việc nhận dạng pháp lý đối với cá nhân, đồng thời là phương thức bảo đảm quyền con người được công nhận là chủ thể trước pháp luật và thiết lập mối quan hệ chính thức giữa công dân với Nhà nước. Hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch (CRVS) sẽ cung cấp cho người dân chứng cứ pháp lý về những dữ kiện cá nhân, để từ đó thể hiện thống nhất trên các văn bản, giấy tờ khác như văn bằng/chứng chỉ. Hội nghị đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng của giấy khai sinh, trong đó ghi nhận họ tên, ngày tháng năm sinh, quan hệ gia đình, quốc tịch của một người. Đây là những căn cứ pháp lý thuyết phục để người đó tiếp cận với các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, bảo hiểm xã hội. Đồng thời giấy khai sinh cũng liên quan nhiều nhất đến việc bảo đảm các quyền con người như việc làm, tham gia hoạt động chính trị, sử dụng biện pháp tư pháp, sở hữu/thừa kế bất động sản, sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng…

Đại biểu các nước cho rằng, việc ghi lại một cách kịp thời, đầy đủ các sự kiện hộ tịch trong cuộc đời mỗi người là cơ hội tốt để quốc gia có được số liệu thống kê kịp thời, đầy đủ và toàn diện. Từ đó giúp cho việc xây dựng, thực hiện tốt hơn các chính sách y tế, bảo vệ sức khoẻ, phân bố dân cư, duy trì hệ thống quản trị quốc gia. Kinh nghiệm của một số nước đã cho thấy, việc xây dựng hệ thống thống kê hộ tịch thông qua phương pháp khảo sát đơn giản là khá tốn kém, không đầy đủ, không xác định được sự phân bố dân cư và xét về lâu dài, không thể thay thế được công tác thống kê hộ tịch theo hệ thống CRVS. Thực hiện thống kê hộ tịch theo hệ thống CRVS sẽ cho biết một cách chính xác, đầy đủ dữ liệu về dân số của các quốc gia, các vùng/khu vực; nắm được chính xác số liệu và nguyên nhân tử vong, tỷ lệ sinh đẻ, tuổi thọ trung bình. Những thông tin này sẽ phục vụ tốt cho mục tiêu phát triển dịch vụ hành chính công, cung cấp thông tin chính xác cho các nhà hoạch định chính sách để đưa ra những chính sách trực tiếp, hiệu quả đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội ở tầm quốc gia và địa phương. Những dữ liệu này cũng giúp cho Chính phủ xác định rõ hơn các chính sách ưu tiên nhằm nâng cao sức khoẻ cộng đồng, thực hiện chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên bình diện bao phủ nhất (Universal Health Coverage - UHC).

Chương trình Hội nghị được chia thành hai phiên họp. Phiên họp quan chức cấp cao (từ ngày 24 đến ngày 26/11/2014) có nhiệm vụ hoàn thiện các văn kiện chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch (bao gồm dự thảo Tuyên bố và Khung hành động khu vực). Trong ba ngày của Phiên họp quan chức cấp cao, Hội nghị đã thảo luận các nội dung liên quan đến việc thực hiện đăng ký và thống kê hộ tịch hiện nay tại các nước trong khu vực; những khó khăn, thách thức và vai trò của công tác đăng ký và thống kê hộ tịch đối với sự phát triển bền vững, cũng như giải quyết các vấn đề xã hội (như hiện tượng tảo hôn…).

Tại phiên họp cấp Bộ trưởng (diễn ra trong hai ngày 27-28/11/2014), đại diện của 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã được mời tham dự phiên thảo luận bàn tròn về vai trò, tầm quan trọng của CRVS đối với Chương trình phát triển sau 2015, cũng như những tác động của hệ thống CRVS tới việc xoá đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội; những yếu điểm của hệ thống pháp luật có thể tác động đến việc thực hiện CRVS tại các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực. Tại phiên thảo luận bàn tròn, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã nêu rõ tầm quan trọng của CRVS và cho rằng, dự thảo Chương trình phát triển sau 2015 (do Liên hợp quốc khởi xướng) chưa thể hiện đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của CRVS trong sự phát triển chung. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh điểm yếu nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia ảnh hưởng đến việc thực hiện CRVS chính là sự mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật và sự yếu kém trong việc thi hành pháp luật.

Trong phiên họp cấp Bộ trưởng diễn ra vào buổi chiều 27/11/2014, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết của việc thực hiện CRVS tại Việt Nam, cũng như chính sách ưu tiên của Việt Nam để thực hiện tốt CRVS trong mối tương quan với việc triển khai thực hiện Luật hộ tịch mới được Quốc hội thông qua. Việt Nam nhận thức rõ CRVS là một nội dung quan trọng của quyền con người và thực hiện tốt CRVS sẽ giúp cho việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quản trị nhà nước tốt hơn, là yếu tố thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững. Trong phần phát biểu của mình, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng thông tin một số vấn đề mà Việt Nam dự kiến sẽ thực hiện, nhằm thực hiện tốt công tác đăng ký và thống kê hộ tịch, đồng thời cũng bảo đảm thực hiện tốt Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch tại Việt Nam. Cụ thể là:

- Xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp cho việc thực hiện CRVS tại Việt Nam;

- Đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các công chức nhằm bảo đảm tính minh bạch và kịp thời trong công tác đăng ký và thống kê hộ tịch;

- Nâng cao năng lực và trình độ cho cán bộ làm công tác đăng ký và thống kê hộ tịch từ trung ương đến địa phương;

- Tạo điều kiện tốt hơn cho các cơ quan làm công tác đăng ký và thống kê hộ tịch thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tin học hoá và thiết lập Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Để thực hiện tốt Tuyên bố và hình thành hệ thống CRVS, Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực đang gặp phải những khó khăn, thách thức. Do đó rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm và nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ của khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện thành công Thập kỷ đăng ký và thống kê hộ tịch tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (2015-2024) mà Hội nghị cấp Bộ trưởng đã phát động.

Như vậy, có thể thấy việc xây dựng hệ thống CRVS là yêu cầu cấp thiết không chỉ đối với Việt Nam mà đối với tất cả các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bằng việc tổ chức Hội nghị này và thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch, đã thực sự tạo ra lời hiệu triệu và thể hiện quyết tâm chính trị của tất cả các nước/vùng lãnh thổ trong khu vực trong việc bảo đảm mọi trẻ em sinh ra, mọi cá nhân trong xã hội đều được cấp phát đầy đủ giấy tờ nhận diện pháp lý, được sống một cách hợp pháp từ lúc sinh ra đến khi chết mà không phụ thuộc vào nguồn gốc, quốc tịch, địa bàn sinh sống, điều kiện thể chất, kinh tế... Việc thực hiện tốt CRVS chắc chắn sẽ giúp cho Việt Nam đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người, quyền công dân./.