Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản đối với hoạt động cải cách tư pháp và pháp luật tại Việt Nam. Thứ trưởng cho biết Nhật Bản là một trong số các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực hợp tác pháp luật và tư pháp với Việt Nam đã cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng những đạo luật cụ thể và rất kiên trì trong việc song hành cùng các đối tác Việt Nam cho tới khi các văn bản pháp luật được ban hành cũng như hỗ trợ việc tổ chức thực hiện, đánh giá để tiếp tục hoàn thiện. Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Dự án với JICA Nhật Bản đã mang lại những hiệu quả tích cực. Thứ trưởng mong muốn, trong lĩnh vực ODA dành cho Việt Nam, Nhật Bản nên quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực pháp luật, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật. Ngoài ra, phía Nhật Bản cần linh hoạt hơn trong triển khai thực hiện ODA.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp được chính thức bắt đầu từ cuối năm 1996 bằng việc ký và thực hiện Dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam với tên gọi “Hợp tác về pháp luật và tư pháp” với ba giai đoạn: Giai đoạn I (1996-1999): đối tác chính là Bộ Tư pháp, mục tiêu là hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự của Việt Nam, trong đó trọng tâm là Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật liên quan. Giai đoạn II (1999-2003): đối tác Việt Nam được mở rộng, bao gồm cả Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Giai đoạn III (2003-2007): Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội tham gia dự án với tư cách là đối tác Việt Nam thứ tư.
Từ năm 2007, Dự án được đổi tên thành “Hỗ trợ kỹ thuật về cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp”. Trong Dự án mới này, thành phần các đối tác Việt Nam có sự thay đổi: Liên đoàn Luật sư Việt Nam trở thành đối tác Việt Nam thứ tư (bên cạnh Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), thay thế Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội. Dự án mới này gồm 02 giai đoạn: giai đoạn I (từ năm 2007-2010) và giai đoạn II (từ năm 2011-2014). Kết quả hợp tác năm trong 03 năm đầu tiên của Giai đoạn II đã được Đoàn đánh giá Dự án cuối kỳ của Chính phủ Nhật Bản nhận xét là “các hoạt động hỗ trợ đã thành công cả về số lượng và chất lượng”. Hiện nay, Dự án đang triển khai Chương trình hợp tác năm 2014 đồng thời xây dựng Dự án giai đoạn mới với tên gọi “Dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp giai đoạn III” (2015-2020).
Các thành viên của Đoàn ủy thác đánh giá cũng đưa ra nhiều câu hỏi và nhận được giải đáp cụ thể từ phía Bộ Tư pháp Việt Nam tập trung vào các nội dung như: đánh giá về kết quả của việc hỗ trợ trong cải cách tư pháp và pháp luật, những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện hỗ trợ, hoạt động cải cách tư pháp và pháp luật có vị trí vai trò như thế nào đối với nền kinh tế, chính trị tại Việt Nam, tác động của Hiến pháp mới với những Bộ luật xương sống của Việt Nam…