Bộ Tư pháp làm việc về các Đề án thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong

01/11/2014
Bộ Tư pháp làm việc về các Đề án thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam đang có những bước chuyển mình nhanh chóng. Với nỗ lực tìm kiếm sự đổi mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, một số tỉnh, thành phố đã bước đầu có đề xuất thành lập các đặc khu kinh tế với những cơ chế quản lý và chính sách ưu đãi đặc biệt. Ngày 31/10/2014, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi làm việc về các Đề án thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) nhằm làm rõ và tháo gỡ những vướng mắc pháp lý liên quan đến các Đề án này.

 Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chủ trì, với sự tham dự của bà Đỗ Thị Hoàng - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Minh Thống - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, đại diện của các tỉnh có đề xuất thành lập đặc khu kinh tế, đại diện Văn phòng Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, cùng các đơn vị có liên quan của Bộ Tư pháp.

   

Tại cuộc họp, cả ba tỉnh đều nhấn mạnh mong muốn thành lập một “đặc khu” với những cơ chế đặc biệt về thẩm quyền quản lý nhà nước cũng như những chính sách ưu đãi về đất đai, thuế… Các cơ chế cụ thể được mỗi tỉnh đề xuất khác nhau phù hợp với với điều kiện, hoàn cảnh riêng, với mục tiêu phát huy thế mạnh tiềm năng của địa phương. Trên cơ sở rà soát, Bộ Tư pháp đã phân tích rõ, nhiều đề xuất tại các Đề án đưa ra cơ chế “đặc biệt” so với quy định hiện hành tại các Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và do đó, việc thành lập các đặc khu kinh tế cần phải được xem xét, cân nhắc thận trọng.

Trên cơ sở thảo luận nghiêm túc, phân tích đa chiều các Đề án, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã kết luận: Đề xuất thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hiến pháp năm 2013 đã có quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khẳng định rõ thẩm quyền của Quốc hội trong việc thành lập các đơn vị này. Do vậy, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải được thành lập bởi một văn bản của Quốc hội. Bên cạnh đó, các cơ chế “đặc biệt” cần phải được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương, phát huy tối đa thế mạnh vùng, và trong mọi trường hợp, phải đảm bảo nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp.

   

Trần Hòa, ảnh Cục Công nghệ thông tin