Đoàn công tác liên ngành khảo sát mô hình Trợ giúp pháp lý tại bang Victoria, Australia

30/10/2014
Đoàn công tác liên ngành khảo sát mô hình Trợ giúp pháp lý tại bang Victoria, Australia
Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền làm trưởng đoàn có chuyến công tác tại Bang Victoria, Australia để khảo sát về mô hình tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) từ ngày 27/10 – 02/11/2014.

Trong chuyến thăm lần này, đoàn đã làm việc với Cục TGPL (Victoria Legal Aid), Hiệp hội pháp luật cộng đồng (Federation of Community Legal Centres), Trung tâm pháp luật cộng đồng Melbourne (Melbourne Community Legal Inc), Tổ chức kết nối công lý (Justice Connect), làm việc với luật sư tranh tụng về TGPL, cán bộ của Tòa án tối cao có liên quan đến công tác TGPL.

Những thông tin hữu ích về mô hình tổ chức và thực tiễn hoạt động TGPL tại bang Victoria cũng như kết quả trao đổi giữa Đoàn công tác và các đối tác tại bang Victoria là cơ sở và thông tin quan trọng để Bộ Tư pháp nghiên cứu và học tập kinh nghiệm trong việc xây dựng Đề án đổi mới công tác TGPL và sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.

Thông tin về chuyến thăm của Đoàn tại bang Victoria, Australia sẽ tiếp tục được cập nhật./.

Hệ thống tổ chức TGPL tại bang Victoria có Cục TGPL và 14 Văn phòng khu vực thuộc Cục TGPL. Cục TGPL là cơ quan Trung ương được điều hành bởi Ban giám đốc gồm 05 thành viên do Bộ Tư pháp bang Victoria giới thiệu và Thống đốc bang bổ nhiệm có thời hạn 05 năm. Những thành viên bắt buộc phải có trong 05 thành viên là: 01 người có trình độ về tài chính, 01 người có trình độ và kinh nghiệm trong kinh doanh và 01 người có kiến thức về quản trị, 01 người là Giám đốc điều hành. Hiện nay, Chủ tịch của Ban giám đốc là ông Andrew Guy, song không phải là người điều hành mà Giám đốc điều hành là ông Bevan Warner.

Cục TGPL là cơ quan thành lập theo Luật TGPL năm 1978, là một tổ chức độc lập, được nhận tiền từ Chính phủ liên bang (60%) và Chính phủ bang Victoria (40%). Khoản ngân sách này được chi như sau: 50% chi lương cho nhân viên và chi hành chính; 40% chi cho các vụ việc do luật sư bên ngoài Cục TGPL thực hiện và 10% chi cho các Trung tâm pháp luật cộng đồng. Chức năng, nhiệm vụ chính của Cục TGPL được quy định trong Luật TGPL và được cung cấp dịch vụ TGPL. Mặc dù Cục TGPL không trực thuộc Bộ Tư pháp nhưng phải báo cáo Bộ Tư pháp và thực thi một số nhiệm vụ do Bộ Tư pháp giao bằng văn bản, song từ năm 2013-2014,  Bộ Tư pháp chưa giao nhiệm vụ gì bằng văn bản cho Cục TGPL.

Có thể nói, Cục TGPL hoạt động như một hãng luật lớn, có 600 nhân viên được Cục TGPL trả lương, trong đó có 300 luật sư. Nhiệm vụ chính của Cục TGPL là: (1) cấp tiền cho 40 Trung tâm pháp luật cộng đồng (Community Legal Centres), (2) xem xét các hồ sơ yêu cầu được TGPL, phê duyệt số tiền cho vụ việc TGPL và thanh toán cho luật sư theo vụ việc, (3) cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, tố tụng, chủ yếu trong lĩnh vực hình sự, hôn nhân và gia đình và một số lĩnh vực dân sự, (4) quản lý chất lượng dịch vụ TGPL, (5) cung cấp các dịch vụ phòng ngừa như: tư vấn qua điện thoại; chuyển gửi các vụ việc; cung cấp thông tin qua internet, trên các website hoặc ấn phẩm; yêu cầu các Trung tâm pháp luật cộng đồng đào tạo để nâng cao ý thức pháp luật của cộng đồng, quyền và nghĩa vụ pháp lý, v.v.

14 Văn phòng khu vực của Cục TGPL cung cấp các dịch vụ như Cục TGPL cung cấp. Song ở khu vực địa phương nơi có Văn phòng khu vực Cục TGPL tuyển nhân viên và cấp tài chính cho các Văn phòng khu vực hoạt động.

Các luật sư của Cục TGPL được tuyển dụng từ các luật sư hành nghề tư nhân. Có thể nói luật sư của Cục TGPL vừa là công chức nhà nước vừa không phải là công chức nhà nước. Họ là công chức nhà nước vì ăn lương có nguồn gốc từ Ngân sách nhà nước do Cục TGPL trả. Họ không phải là công chức nhà nước vì họ không phải là nhân viên của Chính phủ mà hoạt động độc lập về nghề nghiệp và chỉ tuân theo pháp luật và đạo đức nghề nghiệp luật sư, họ hoạt động vì lợi ích của khách hàng.

Cục TGPL có khoảng 2.500 luật sư ngoài Cục TGPL tham gia thực hiện TGPL theo vụ việc. Ở bang Victoria, người được TGPL tự chọn luật sư trợ giúp pháp lý cho mình. Luật sư sẽ thay mặt khách hàng nộp hồ sơ lên Cục TGPL để xin  phê duyệt TGPL. Ở bang Victoria, khi cần được giúp đỡ pháp lý, đối tượng được TGPL có thể tiếp cận các tổ chức sau đây:

1. Cục TGPL và 14 Văn phòng khu vực của Cục TGPL (tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng ngân sách của Nhà nước)

2. Kết nối công lý (Justice Connect): Tổ chức này hoạt động do huy động của một số tổ chức luật sư, các nhà hảo tâm và một phần Ngân sách nhà nước do Cục TGPL cấp. Tổ chức này có 50 thành viên là các công ty luật, hợp tác với khoảng 1000 luật sư tranh tụng (barristers) (50% số luật sư tranh tụng tại bang Victoria) và nhiều sinh viên, các nhà nghiên cứu luật thực hiện dịch vụ pháp lý miễn phí (probono).

3. Trung tâm pháp luật cộng đồng: Các Trung tâm pháp luật cộng đồng là các tổ chức độc lập hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Ngân sách của các tổ chức này được huy động từ các nguồn đóng góp của các tổ chức trong xã hội và một phần của Nhà nước do Cục TGPL cấp. Các tổ chức này cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân. Hiện nay, bang Victoria có khoảng 50 Trung tâm  pháp luật cộng đồng, chủ yếu giúp đỡ người dân trong các vụ việc nhỏ như thuê mướn, tiêu dùng, việc làm, tư vấn về ly hôn, quyền nuôi con, v.v.

4. Hiệp hội luật sư tư vấn (Law Institute), Hiệp hội luật sư tranh tụng (Victorian bar), các Văn phòng luật sư. Các tổ chức hoạt động không có bất kỳ nguồn tài chính nào từ ngân sách Nhà nước. Các luật sư của các tổ chức này xem xét và có thể nộp hồ sơ lên Cục TGPL xin được cấp tiền thuê luật sư thực hiện TGPL.

Tóm lại, hoạt động TGPL ở bang Victoria, Australia là lĩnh vực được Nhà nước quan tâm, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận công lý. Tuy nhiên, hoạt động này không phải chỉ do Nhà nước thực hiện mà các tổ chức xã hội tham gia khá sâu rộng cung cấp dịch vụ TGPL như trên đã nêu.