Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thông tin về tình hình hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp trong Quý III năm 2014

16/10/2014
Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thông tin về tình hình hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp trong Quý III năm 2014
Sáng nay (16/10), Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi họp báo để thông tin và trao đổi với các cơ quan báo chí về tình hình hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp trong Quý IV năm 2014. Tham gia buổi họp báo có đông đảo phóng viên, đại diện các cơ quan quản lý báo chí và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì họp báo.

Trong Quý III năm 2014, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Tại buổi họp báo, ông Trần Tiến Dũng đã thông tin cơ bản về kết quả hoạt động của các lĩnh vực công tác như: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), góp ý, thẩm định VBQPPL; kiểm sát thủ tục hành chính; thi hành án dân sự; đăng ký, quản lý hộ tịch; nuôi con nuôi; bồi thường nhà nước và bổ trợ tư pháp. Ông Trần Tiến Dũng cũng thông tin về vấn đề được giới truyền thông quan tâm là sắp tới Quốc hội sẽ xem xét thông qua 02 văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và Luật Hộ tịch; đồng thời cho ý kiến Bộ luật dân sự (sửa đổi) và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất).

   

Giấy khai sinh, thẻ vào đời của công dân – không thể bỏ

Giấy khai sinh là vấn đề được dư luận rất quan tâm, về vấn đề này, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Quốc tịch, Hộ tịch, Chứng thực cho biết, nếu Luật Hộ tịch mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới sẽ giảm từ rất nhiều thủ tục hành chính (46 thủ tục hành chính xuống còn 25 thủ tục hành chính), nhưng vẫn giữ lại những thủ tục hành chính quan trọng như đăng ký khai sinh và đăng ký kết hôn. Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em là cần thiết, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ông Khanh nhấn mạnh, "Giấy khai sinh áp dụng từ lâu ở Việt Nam, trở thành thói quen và đi vào đời sống người dân. Đồng thời cũng không phát sinh khó khăn gì. Khi cắt giảm giấy tờ công dân, cần xem xét có cái bỏ đi, có cái phải giữ lại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến cho rằng, Giấy khai sinh và Giấy chứng nhận kết hôn không thể bỏ được", ông Nguyễn Công Khanh nói.

   

Tòa án nhân dân không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Tuy nhiên, dư luận lại băn khoăn khi mà ở Việt Nam chưa thừa nhận việc áp dụng tập quán, án lệ và Hiến pháp cũng chỉ quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, vậy quy định của Dự thảo Bộ Luật Dân sự có vi hiến hay không? Về vấn đề này, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế khẳng định, quy định tại khoản 2 Điều 103 của Hiến pháp (Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm) nhằm “nghiêm cấm sự can thiệp ở bên ngoài vào quá trình xét xử của Tòa án” để bảo vệ công bằng và nghiêm minh trong quá trình xét xử. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, do vậy, khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng mà phải áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ, việc dân sự, do vậy quy định này hoàn toàn hợp hiến.

   
Quyền im lặng – Bộ luật Tố tụng hình sự đã gián tiếp ghi nhận

Quyền im lặng từ lâu được áp dụng tại rất nhiều nước, dư luận cho rằng, ở Việt Nam quyền được im lặng của người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ cần thiết phải được quy định trong luật. Về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính cho biết, “việc thực hiện quyền im lặng để bảo đảm 2 yếu tố: giúp cho người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện quyền trợ giúp pháp lý và tránh được bức cung, dùng nhục hình để lấy lời khai”, người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện quyền này cho tới khi có trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư của họ có mặt. Ông Dũng khẳng định, mặc dù không quy định trực tiếp, nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam đã gián tiếp ghi nhận quyền này với quy định người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ có quyền được trả lời, chứ không quy định là có nghĩa vụ phải trả lời. Ông cho biết thêm, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, khi mà số lượng Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư còn khiêm tốn và có sự khác biệt giữa các vùng, miền thì việc quy định trực tiếp quyền im lặng trong pháp luật tố tụng phải cân nhắc rất kỹ.

Tại buổi họp báo, các phóng viên đã nêu nhiều câu hỏi liên quan đến những lĩnh vực trên. Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ có liên quan đã trực tiếp giải đáp các vấn đề một cách thỏa đáng, qua đó giúp các phóng viên có cái nhìn toàn diện và có những thông tin chính xác hơn về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn hiện nay./.