Tọa đàm chuyên sâu về đổi mới công tác trợ giúp pháp lý

15/10/2014
Tọa đàm chuyên sâu về đổi mới công tác trợ giúp pháp lý
Sáng nay (15/10), tại Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền chủ trì buổi tọa đàm chuyên sâu về công tác đổi mới trợ giúp pháp lý (TGPL).

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cho biết, hệ thống TGPL ở Việt Nam hình thành từ năm 1997, đặc biệt, sự ra đời của Luật TGPL 2006 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của công tác TGPL. Qua đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội; vai trò của TGPL trong chính sách xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chính sách dân tộc và quan điểm về bảo đảm quyền con người quyền công dân. Đồng thời, bà đã tóm tắt những nội dung quan trọng của Đề án đổi mới công tác TGPL (Đề án), theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm đảm bảo hoạt động TGPL, chất lượng, hiệu quả, tập trung thực hiện nhiệm vụ chính là cung cấp các vụ việc tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thuộc diện được TGPL; thu hút các nguồn lực xã hội thực hiện TGPL; nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ TGPL; Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, điều phối nguồn lực và tài chính cho tổ chức và cá nhân thực hiện TGPL; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chất lượng hoạt động TGPL của tổ chức, cá nhân.  

   

Tập trung vào tố tụng nhưng không xem nhẹ các hình thức TGPL khác 

Theo dự thảo Đề án, giai đoạn từ năm 2015 – 2017, hoạt động TGPL sẽ chuyển hướng trọng tâm vào thực hiện vụ việc tham gia tố tụng bảo đảm nâng dần tỉ lệ vụ việc TGPL xét xử tại Tòa án có Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), luật sư tham gia. Về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc về cơ sở pháp lý, vì hiện nay Luật TGPL chưa sửa mà TGPL tập trung riêng vào các vụ việc tham gia tố tụng thì về mặt pháp lý chưa phù hợp. Trong trường hợp đã sửa Luật TGPL thì các hình thức khác cũng không được xem nhẹ.

Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bắc Giang, đổi mới là tốt nhưng đổi mới thế nào? Ông chỉ ra thực tế sau 2 năm thực hiện Chiến lược TGPL (6/2011 – 6/2013) trong toàn quốc mới thực hiện 13.395 vụ việc tham gia tố tụng (chiếm 5,7%) trong khi số vụ việc tư vấn pháp luật là hơn 200 nghìn vụ việc (chiếm 92%), Tư vấn pháp luật là cái gốc của TGPL, hơn 90% nhu cầu tư vấn pháp luật về những vấn đề phát sinh trong thực tế, tư vấn pháp luật thành công sẽ giảm được các vụ việc phải nộp khởi kiện đơn ra Tòa.

Đồng quan điểm, ông Lê Căn Bản, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thái Bình cho rằng, “không nên chỉ tập trung vào TGPL trong lĩnh vực tố tụng, bởi sẽ xem nhẹ các nội dung trợ giúp khác”. TGPL lưu động cũng rất quan trọng, liên quan đến vấn đề nóng của xã hội như giải phóng khu công nghiệp, đền bù đất đai, Trung tâm TGPL đã được giao thực hiện hình thức TGPL lưu động để góp phần ổn định tình hình.

 

“Qua quản lý nhà nước, thấy hình thức tư vấn pháp luật là quan trọng và hiệu quả, do đó, cần cân nhắc kỹ vấn đề này”, Ông Lê Đình Thu, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên nhấn mạnh về hình thức tư vấn, đồng thời kiến nghị, “nên chăng xây dựng Đề án theo hướng đang thiếu, yếu chỗ nào thì sửa chỗ đó. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) còn yếu thì tăng cường bồi dưỡng, nhất là về mặt kỹ năng viết, lập luận; kiến nghị sửa Luật tố tụng, bởi danh chưa chính, thì ngôn chưa thuận, theo đó TGVPL là người bào chữa, các bản cung không có luật sư, TGVPL thì không có giá trị”.

Không đánh đồng giữa hoạt động không hiệu quả với địa phương không có nhu cầu 

Nguyễn Minh Chánh - Giám đốc - Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hồ Chí minh cho rằng, “cần lắng nghe ý kiến từ các địa phương, không đánh đồng giữa hoạt động không hiệu quả với địa phương không có nhu cầu. UBND cho phép tư vấn tất cả các lĩnh vực, thường xuyên tiếp người dân ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Dương. Mảng tham gia tố tụng, tư vấn là rất nhiều, không bỏ tư vấn vì đây là giai đoạn tiền tố tụng, giúp người dân nắm rõ được vụ việc, từ đó sẽ quyết định kiện hay không kiện”. Không phản đối việc duy trì hình thức tư vấn, song Luật sư Dương Quốc Thành, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đề nghị “vẫn cần nâng cao tỷ lệ các vụ việc tố tụng”.

Như vậy, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, công tác TGPL cần có đổi mới và phải đổi mới mạnh mẽ, nhưng phải có lộ trình phù hợp. Thẳng thắn chỉ ra những điểm còn chưa hợp lý tại dự thảo Đề án, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị những giải pháp đổi mới hoạt động TGPL gắn với nhu cầu hoạt động thực tiễn./.