Sơ kết công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2014, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác những tháng cuối năm

29/08/2014
Sơ kết công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2014, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác những tháng cuối năm
“Xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đưa ra các giải pháp đột phá và với tư thế sẵn sàng nhất để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ những tháng cuối năm” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chỉ đạo trong Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2014 diễn ra vào chiều nay (29/8).

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đã điểm lại tình hình triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong 7 tháng đầu năm. Theo đó, công tác tư pháp đã được triển khai đầy đủ, cơ bản bám sát các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đặt ra từ đầu năm. Tính đến hết tháng 8, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã hoàn thành 39/53 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 73,58%. Những tháng đầu năm, xác định triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Ngoại giao xây dựng tài liệu và thực hiện tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp. Đối với từng lĩnh vực công tác của Bộ như xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp, pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế, công tác cán bộ… đều có những chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực.

   

Trên cơ sở tình hình triển khai công tác 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm cần ưu tiên triển khai như: tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết tâm thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp; tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo quyết liệt công tác thi hành án dân sự; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số nhiệm vụ khác.

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã quán triệt việc triển khai thực hiện Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 75/2014/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, “công tác tư pháp ngày càng mở rộng, tăng cường và đi vào thành công”, tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn còn trăn trở về một số công tác như cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với trách nhiệm của Bộ Tư pháp; quản lý xử lý vi phạm hành chính và thi hành pháp luật mới đang ở chặng đường đầu còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, công tác thi hành án dân sự, giám định tư pháp liên quan đến những vấn đề lớn như tham nhũng vẫn còn là “điểm nghẽn”. Những hạn chế nêu trong Báo cáo cũng là những vấn đề được nhấn mạnh trong nhiều phiên họp Chính phủ gần đây.

   

Trong phần thảo luận, để góp phần vào hoàn thành công tác những tháng cuối năm ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho rằng, các đơn vị thuộc Bộ cần tăng cường phối hợp hơn nữa, phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát thủ tục hành chính ngay từ khâu soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Con nuôi đề nghị, trong nhóm nhiệm vụ trọng tâm cuối năm cần bổ sung nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thực thi pháp luật về nuôi con nuôi và hộ tịch. Về thi hành án dân sự, ông Hoàng Sỹ Thành cho biết, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là hoàn thiện thể chế, trực tiếp chỉ đạo những địa bàn lớn có nhiều án, và xử lý những cán bộ có sai phạm. Về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tư pháp, Ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin chia sẻ, Bộ Tư pháp đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2013, đồng thời đưa ra kiến nghị, hiện nay việc phát triển công nghệ thông tin có nhiều đầu mối, tình trạng này dẫn đến chồng chéo, không tận dụng hết nguồn lực, do đó, khi các đơn vị triển khai phải phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin để thực hiện việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin có hiệu quả. Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cũng đề cập đến vấn đề giám định tư pháp liên quan đến tham nhũng vẫn còn là “điểm nghẽn”, theo Bà, đối với vấn đề này cần “phải có sự phối hợp với nhiều bộ, ngành, và liên quan đến nhiều cơ chế khác nhau, liên quan cả đến quan điểm, giải pháp của các cơ quan tư pháp như Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan Công an, đây là bài toán rất lớn phải có sự chỉ đạo rất quyết liệt từ TƯ, chứ một Bộ, ngành rất khó để làm tốt”.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị, đối với công tác xây dựng văn bản pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính, các đơn vị liên quan phải chú trọng hơn nữa công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực của mình, rà soát thủ tục hành chính trong các lĩnh vực tư pháp, giúp Bộ rà soát, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời phải công bố các thủ tục hành chính mới để dưới cơ sở công khai niêm yết và triển khai thực hiện.  

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng ghi nhận và hoan nghênh những kết quả đạt được, những cố gắng của ngành Tư pháp đồng thời chia sẻ những khó khăn trong công tác những tháng đầu năm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đặc biệt lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, trong đó phải tập trung nguồn lực, xây dựng có chất lượng, bảo đảm tiến độ các Dự án Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Hộ tịch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh Đào tạo các chức danh tư pháp. Về giải pháp, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, chủ động phối kết hợp trong thực hiện công việc, trong công tác điều hành, “Thủ trưởng phải tập trung vào điều hành, không làm thay công tác chuyên môn”; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tư pháp; quán triệt thực hiện nghiêm chế độ thống kê; tăng cường hoạt động của các Cụm thi đua để thi đua trở lên thực chất.