Hội thảo về một số vấn đề chung trong dự thảo bộ luật Dân sự (sửa đổi) từ góc độ giới

29/08/2014
Hội thảo về một số vấn đề chung trong dự thảo bộ luật Dân sự (sửa đổi) từ góc độ giới
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực cán bộ pháp luật trong công tác soạn thảo và thẩm định pháp luật và chính sách về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ” được ký kết giữa Bộ Tư pháp với cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với sự hỗ trợ về tài chính của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, ngày 21/8/2014, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về một số vấn đề trong Phần những quy định chung của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) từ góc độ giới. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Bộ Tư pháp được Quốc hội, Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) nhằm thi hành Hiến pháp năm 2013 về chế định quyền con người và quyền công dân.

Tham dự Hội thảo có đại diện của Bộ Tư pháp, cơ quan Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam và đại diện Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cùng các chuyên gia, các đại biểu đến từ một số Bộ, ngành Trung ương và Sở Tư pháp, Hội liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc.

Tại Hội thảo, nhiều vấn đề trong Phần những quy định chung của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được các chuyên gia, các đại biểu thảo luận sôi nổi trên cơ sở thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự năm 2005, những tác động của phong tục, tập quán ở Việt Nam cũng như các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong đó có công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Phần lớn các chuyên gia, các đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) là các quy định trung tính. Tuy nhiên, quá trình thực thi trên thực tế rất có thể dẫn đến những bất bình đẳng đối với phụ nữ. Điều này được ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực dẫn chứng bằng các con số thống kê tình hình đăng ký khai sinh, đăng ký nuôi con nuôi, tình trạng tảo hôn... trên thực tế. Những số liệu này cho thấy trẻ em gái và phụ nữ là những người bị chịu thiệt thòi nhiều hơn so với nam giới (bị phân biệt đối xử) trong việc thực hiện các quyền nhân thân của mình.

   

Nhiều đề xuất, kiến nghị mang tính lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng, hoàn thiện dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) bảo đảm bình đẳng giới thực chất đã được các chuyên gia, các đại biểu đưa ra như: Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận giữa các bên cần được ưu tiên áp dụng trước khi áp dụng các tập quán trong các quan hệ dân sự nhằm bảo đảm quyền bình đẳng, tự định đoạt của các bên trong quan hệ dân sự; các quy định về quyền nhân thân trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) cần được rà soát nhằm bảo đảm phù hợp với chế định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm trật tự logic các quyền và đặc biệt dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) cần tính đến các quyền nhân thân của nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới (như quyền được chuyển giới, quyền thay đổi họ, tên trong các trường hợp chuyển giới, các quyền có liên quan khác...); chế định về đại diện, giám hộ trong hôn nhân và gia đình cũng được các đại biểu phân tích, thảo luận và đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm bảo đảm tốt nhất quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em, người già và phụ nữ.

Những đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia và đại biểu tại Hội thảo sẽ được tổng hợp và gửi đến Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) để nghiên cứu, tiếp thu./.