Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định Dự án Luật tổ chức Chính phủ

25/08/2014
Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định Dự án Luật tổ chức Chính phủ
Chiều ngày 23 tháng 8 năm 2014, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng - Chủ tịch Hội đồng chủ trì.

Tham dự cuộc họp có một số thành viên của Nhóm I Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp; đại diện các Bộ, ngành, địa phương như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật tổ chức bộ máy nhà nước và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Tiến hành thẩm định, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật, về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của Dự thảo Luật; đặc biệt là tập trung những nội dung chính của Dự thảo Luật bao gồm vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; cơ cấu tổ chức của Chính phủ; nguyên tắc tổ chức và hoạt động, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của Chính phủ, trong đó có mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước giữa Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác (Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao...).

   

Các thành viên Hội đồng cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Về nội dung Dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung nhất định so với Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, nhất là những điểm mới về Chính phủ theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Dự thảo Luật vẫn chưa làm nổi bật rõ vị trí, chức năng hành pháp của Chính phủ, nhất là vai trò hoạch định chính sách vĩ mô của Chính phủ; cách thiết kế và quy định về nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực của Chính phủ chưa phù hợp, có khả năng bỏ sót nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; không bảo đảm tính năng động, chủ động, sáng tạo trong hoạt động của Chính phủkhông bảo đảm tính thống nhất với các luật chuyên ngành. Dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nét mối quan hệ kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao; chưa quy định rõ ràng nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, các Bộ với chính quyền địa phương, trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Trung ương đối với chính quyền địa phương

Kết luận cuộc họp Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng - Chủ tịch Hội đồng cho rằng về cơ bản Dự thảo Luật đã bám sát quy định mới của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính khả thi và tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, Thứ trưởng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến của các thành viên Hội đồng, nhất là làm rõ các nội dung về chức năng thực hiện quyền hành pháp của Chính phủ, quy định khái quát hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; làm rõ quan hệ kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với các cơ quan khác, mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với các tổ chức chính trị - xã hội; nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương…; nghiên cứu giải quyết những vấn đề bất cập, hạn chế của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Dự thảo Luật này có mối quan hệ chặt chẽ với việc xây dựng các dự án luật khác về tổ chức bộ máy nhà nước (như Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương) và các luật chuyên ngành, do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của Dự thảo Luật./.