Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về triển khai Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị

21/08/2014
Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về triển khai Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị
Sáng ngày 21/8, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương làm Trưởng Đoàn có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về triển khai Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương; đồng chí Nguyễn Doãn Khánh,Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương. Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ.

   

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, việc thực hiện Kế hoạch số 37-KH/CCTP ngày 10/6/2014 của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương về việc kiểm tra, khảo sát tình hình quán triệt thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, để triển khai, quán triệt  Kết luận số 92-KL và các văn bản của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương, Bộ Tư pháp đã kịp thời xây dựng và ban hành Kế hoạch số 80-KH/BCS bám sát tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương, trong đó xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và 08 nội dung triển khai Kết luận số 92 trong 2 năm 2014 và 2015 với sự phân công trách nhiệm, thời hạn thực hiện rõ ràng. Nhìn chung việc quán triệt, triển khai Kết luận số 92 tại Bộ Tư pháp được Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc. Nhận thức của cán bộ, công chức, đảng viên trong các đơn vị thuộc Bộ, ngành tư pháp về công tác CCTP nói chung, về những nội dung của Kết luận số 92 nói riêng được nâng lên rõ rệt.

   

Trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã nêu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các định hướng CCTP; chỉ đạo sát sao công tác CCTP của Bộ Tư pháp, một số nhiệm vụ trọng tâm đạt được những kết quả tích cực như: Giúp Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, hoàn thành tốt công tác xây dựng thể chế; Chủ động, mạnh dạn và kiên trì thực hiện chủ trương “xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp” theo Nghị quyết số 49-NQ/TW; Tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) đã được nâng tầm thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương với 3 cấp Tổng cục, Cục, Chi cục với cơ chế điều hành tập trung, thống nhất bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; Việc triển khai các đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm về đào tạo luật, xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp đang đi đúng hướng; Công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp ngày càng được mở rộng và từng bước đi vào chiều sâu, phục vụ thiết thực hơn cho công cuộc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, CCTP, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới và trong khu vực trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cũng theo Báo cáo, một số định hướng lớn về CCTP của Bộ Tư pháp đến năm 2020 được tập trung cụ thể: Nghiên cứu, dự báo nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, chính sách pháp luật trong lĩnh vực CCTP nói riêng; Chuyển trọng tâm của CCTP giai đoạn từ nay đến 2020 từ xây dựng thể chế sang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực thi hành án và bổ trợ tư pháp; Lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống Thi hành án dân sự thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững đối với nhiệm vụ THADS, hành chính; Nghiên cứu mở rộng phạm vi xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp song song với nâng cao chất lượng dịch vụ với bước đi, lộ trình phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài; Tiếp tục kiên trì làm việc với các bộ, ngành hữu quan để tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp và thống nhất cao trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chung được giao theo Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Phát biểu tại phiên làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra đều nhất trí đánh giá cao sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong công tác CCTP. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về việc mạnh dạn cải cách một nền tư pháp hiện đại, đảm bảo yêu cầu hội nhập; nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo của các trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý. Nâng cao hợp tác quốc tế và tăng cường cơ sở hạ tầng cho hoạt động thi hành án dân sự…

Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền CCTP nói chung và của Bộ Tư pháp nói riêng. Bộ trưởng cho biết vấn đề chuyển hướng chiến lược của công tác trợ giúp pháp lý khi có các dịch vụ khác như luật sư, công chứng, tư vấn pháp luật… sẽ được trình để Ban Chỉ đạo cho ý kiến. Bộ Tư pháp sẽ triển khai mạnh mẽ Đề án xây dựng 2 trường đại học và Học viện Tư pháp theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung đào tạo chuyên sâu, mũi nhọn đối với sự nghiệp đào tạo các chức danh tư pháp… Bộ trưởng mong rằng Bộ Tư pháp sẽ nhận được sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ ngành để hoàn thành tốt nhất công tác cải cách tư pháp.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình nhận định Bộ Tư pháp đã thực hiện, triển khai nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Kết luận số 92 qua đó thể hiện quyết tâm cao của Bộ Tư pháp và khẳng định sẽ ủng hộ những tinh thần mới trong hoạt động cải cách tư pháp của Bộ Tư pháp. Điểm lại những kết quả đã đạt được, đồng chí nhấn mạnh một số nội dung cụ thể mà Bộ Tư pháp cần quan tâm thực hiện như: tiếp tục quan tâm chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49, Kết luận số 92 và nội dung, tinh thần của Hiến pháp 2013 gắn với công tác cải cách tư pháp; Tập trung sớm hoàn thành các đề án được giao đảm bảo tiến độ và chất lượng; Làm tốt công tác cán bộ, đào tạo quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, vừa mạnh vừa hồng vừa chuyên; Kết hợp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tập trung chỉnh lý các dự án luật đảm bảo tiến độ và chất lượng trong chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các thể chế mới liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự, tập trung khắc phục những hạn chế trong công tác này, nâng cao công tác phối hợp liên ngành; Triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi Luật Luật sư đảm bảo xây dựng một đội ngũ luật sư đảm bảo chất lượng hội nhập với quốc tế. Phối hợp Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện thành công chế định thừa phát lại; Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện tốt đề án xây dựng 2 trường Đại học Luật và Học viện tư pháp. Cuối cùng, đồng chí Trưởng đoàn tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự quyết tâm, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp, công tác CCTP tại Bộ Tư pháp sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.