Cải cách tư pháp ở Kiên Giang: Cần có chuyển biến mang tính đột phá

15/08/2014
Cải cách tư pháp ở Kiên Giang: Cần có chuyển biến mang tính đột phá
Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về kiểm tra, khảo sát, triển khai việc thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, hôm qua (14/8), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về nội dung này. Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Trần Minh Thống và đại diện các ban, ngành của tỉnh cùng tham dự buổi làm việc.

Áp lực công việc luôn cao

Báo cáo của Tỉnh ủy Kiên Giang về công tác cải cách tư pháp cho biết, sau khi nhận được Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Báo cáo số 35-BC/CCTP ngày 12/3/2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy đã quán triệt các cơ quan tư pháp cấp tỉnh và các Huyện, Thị, Thành ủy, yêu cầu nghiêm túc thực hiện. 

Đồng thời, Kiên Giang đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh để tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt hơn công tác này. Nhìn chung, thời gian qua, các cơ quan tư pháp của tỉnh Kiên Giang đã quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp, có sự phối hợp tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng nhìn nhận: Công tác phòng ngừa tội phạm trên địa bàn hiệu quả chưa cao. Các hoạt động tố tụng vẫn còn những mặt hạn chế như: kiểm sát điều tra án hình sự đối với một số vụ án chưa tuân thủ đúng quy định; vẫn còn một số vụ án xác minh thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành, án tồn quá hạn còn nhiều; tỉ lệ thi hành án dân sự đạt thấp, việc phân loại, hoãn thi hành, trả đơn yêu cầu... còn nhiều trường hợp chưa đúng quy định ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.  

Trước thực tế này, các cấp ủy đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp ở địa phương. Thường trực Tỉnh ủy, Huyện, Thị, Thành ủy duy trì họp giao ban định kỳ hàng quý với các cơ quan nội chính, trong đó có chú trọng việc định hướng hoạt động và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp với các ngành liên quan trong quá trình giải quyết án, đồng thời chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tốt các công việc của mình được pháp luật quy định, góp phần cho các cơ quan tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ.   

Về những kiến nghị với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đề nghị cần có chủ trương cụ thể nhất quán về mô hình Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân khu vực; đồng thời cần có kế hoạch nâng cấp, mở rộng trụ sở tòa án cấp huyện hiện nay, trước mắt là đối với các đơn vị được chọn làm tòa án sơ thẩm khu vực vì hầu hết chật hẹp, quá tải, không đảm bảo xét xử và làm việc. 

Tỉnh ủy Kiên Giang cũng phản ánh, hiện nay, lượng án ở địa phương hàng năm tăng cao, áp lực công việc cho các cơ quan tư pháp rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết. Vì vậy, đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương căn cứ vào lượng án thụ lý hàng năm, bổ sung biên chế cho những địa phương có số lượng án tăng cao, đảm bảo thực hiện tốt công việc.

Cần có bước chuyển đột phá

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng “sốt ruột” với tiến độ triển khai Kết luận số 92 của Bộ Chính trị  tại địa phương. Công tác quán triệt và triển khai Kết luận 92 của Bộ Chính trị còn chậm, ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức của đội ngũ cán bộ, làm ảnh hưởng tới kết quả công tác cải cách tư pháp. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế như công tác phòng ngừa tội phạm hiệu quả chưa cao, các hoạt động tố tụng vẫn còn hạn chế; kiểm sát điều tra án hình sự có một số vụ án chưa tuân thủ đúng qui định. Vẫn còn một số vụ án xác minh thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, án tuyên không rõ ràng, có sai sót khó thi hành án dẫn đến án tồn đọng quá nhiều (toàn tỉnh còn 8.500 vụ). Bên cạnh đó, công tác xét xử còn hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức…

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Kiên Giang phải có những giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc cải cách tư pháp trên địa bàn. 

Bộ trưởng cũng ghi nhận những đề xuất của địa phương và cho biết sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh những bất cập trong thể chế, chính sách, nhất là việc lựa chọn mô hình tổ chức tòa án sơ thẩm khu vực và viện kiểm sát khu vực.

Ngọc Long