Thực hiện Quyết định số 1950/QĐ-BTP ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng thẩm định Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng ngày 23 tháng 8 năm 2014, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp thẩm định Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng chí Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp là các thành viên Hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật tổ chức bộ máy nhà nước; đại diện các bộ, ngành, địa phương như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Phó Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật.
Sau khi nghe đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày Dự thảo Tờ trình và những nội dung cơ bản của Dự án Luật, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị thành viên hội đồng tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của của Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và cho rằng đây là Dự án Luật mới cả về nội dung, tinh thần và kỹ thuật lập pháp, khi được ban hành và có hiệu lực sẽ thay thế cho Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành. Hiến pháp năm 2013 chỉ mới quy định rất khái quát một số vấn đề có tính nguyên tắc rất cơ bản theo hướng mở để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới căn bản tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nhiều vấn đề rất cơ bản về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương Hiến pháp phải để lại cho dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định. Đây là cơ hội đồng thời là thách thức đặt ra cho việc nghiên cứu, soạn thảo đạo Luật có ý nghĩa rất quan trọng này trong việc thúc đẩy cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản trị địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển, thịnh vượng chung của quốc gia.
Đa số thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, trong một thời gian ngắn đã tích cực nghiên cứu, tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2013, làm cơ sở cho quá trình soạn thảo Dự án Luật. Đồng thời, Dự thảo Luật cơ bản đã bám sát các quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện được tinh thần đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt là tinh thần phân cấp, phân quyền, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, một số thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng Dự thảo Luật chưa thể hiện được chính quyền địa phương với tính chất là một tổng thể thống nhất gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương còn có sự chồng chéo, chưa có sự tách bạch các nhóm nhiệm vụ của chính quyền địa phương: i) tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; ii) quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; iii) nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên giao kèm theo các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó. Dự thảo Luật vẫn còn tình trạng cùng một nhiệm vụ, cả ba cấp chính quyền cùng thực hiện mà chưa có sự khác nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ của từng cấp chính quyền.
Các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí về việc quy định tại dự án Luật này các nội dung về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính, tuy nhiên, đề nghị làm rõ các tiêu chuẩn, trình tự thủ tục và sự tham gia của người dân vào quy trình này. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc các quy định về việc phân loại đơn vị hành chính, theo đó, việc phân loại đơn vị hành chính phải là cơ sở để xác định tổ chức bộ máy chính quyền tại các đơn vị hành chính.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng Dự thảo Luật đã quán triệt và thể hiện được tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về việc đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Dự thảo bước đầu cũng đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng cấp chính quyền địa phương với vai trò là một chỉnh thể thống nhất không tách rời giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tuy nhiên, Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương là một dự án luật khó, phức tạp, cần phải cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung các quy định của Hiến pháp năm 2013 về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo tinh thần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương. Để bảo đảm chất lượng của Dự án Luật trước khi trình Chính phủ, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, tiếp tục rà soát, chỉnh lý Dự án Luật cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương, bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành cũng như các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước đang được nghiên cứu, xây dựng./.
Phạm Hậu, Vụ PLHSHC