Họp góp ý nội dung hướng dẫn về chủ thể là hộ gia đình khi ký kết, thực hiện hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

04/04/2014
Việc xác định thành viên hộ gia đình khi ký kết, thực hiện hợp đồng là một vấn đề phức tạp, phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, đồng thời đây cũng là vấn đề quan trọng của dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng.
Chiều ngày 03/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp góp ý nội dung nêu trên với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, các tổ chức hành nghề công chứng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hà Nội. Ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Tổ trưởng Tổ biên tập chủ trì cuộc họp.

Theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2014) thì hộ gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Như vậy, ngoài quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì việc hướng dẫn phải đáp ứng các điều kiện về hộ gia đình với tư cách là người sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng việc hướng dẫn về hộ gia đình khi ký kết, thực hiện hợp đồng thế chấp rất cần thiết, vì đây vấn đề rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất ổn, rủi ro trong các giao dịch. Hộ gia đình là chủ thể thường xuyên tham gia các giao dịch, nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định rõ về cơ chế pháp lý trong khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan Nhà nước cấp trong nhiều trường hợp lại không thể hiện rõ các thành viên của hộ gia đình. Do vậy, các đại biểu đề nghị  Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan cần tập trung hướng dẫn các vấn đề như: Việc xác định thành viên hộ gia đình cần đặt trong mối quan hệ với chủ hộ đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin (hoặc xác nhận) các yếu tố hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng trong mối quan hệ với chủ hộ; trách nhiệm và cách thức xem xét, xác định thành viên hộ gia đình; hồ sơ cần phải có khi hộ gia đình tham gia ký kết, thực hiện hợp đồng thế chấp...

Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Tổ biên tập sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của dự thảo Thông tư để báo cáo Ban soạn thảo trên cơ sở loại bỏ các thủ tục phức tạp, gây phiền hà cho người dân khi thực hiện giao dịch, chú trọng các yếu tố pháp lý để ngăn ngừa tranh chấp, hạn chế rủi ro cho các bên, cũng như tạo lập cơ sở để Tòa án có thể giải quyết được các tranh chấp liên quan đến hộ gia đình.

Nguyễn Thu Hằng - Cục Đăng ký GDBĐ