Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 10: “Triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam”

03/04/2014
Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 10: “Triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam”
Ngày 03/4, Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 10 với chủ đề “Triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam”. Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì Diễn đàn. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đến dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn còn có ông Nguyễn Văn Hiện, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội; ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; ông Nguyễn Tất Viễn, Uỷ viên chuyên trách, Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và các đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao của nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

 

 

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã nghe đại diện Bộ Tư pháp cập nhật thông tin về những điểm mới liên quan đến vấn đề quyền công dân và quyền con người và kế hoạch hành động triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Đồng thời, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận về những thay đổi lớn trong chính sách về đất đai nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất trong Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 – một trong những đạo luật có tính chất “rường cột”, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Cũng tại Diễn đàn, đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trình bày kết quả tổng kết 8 năm triển khai Chiến lược Cải cách tư pháp và Kế hoạch hành động năm 2014.

 

 

Cùng các với các luật gia Việt Nam, đại diện cho các cơ quan của Liên hợp quốc đã trao đổi và góp ý kiến về việc triển khai Hiến pháp năm 2013 trong mối quan hệ với công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: “Là đạo luật cơ bản của đất nước, Hiến pháp năm 2013 phản ánh kết quả đổi mới tư duy chính trị, nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với con đường phát triển tương lai của đất nước, đồng thời là hiện thân của tiến trình cải cách bộ máy Nhà nước và dân chủ hóa đời sống chính trị - pháp lý của xã hội Việt Nam” . Bộ trưởng nhấn mạnh, với nhiều điểm đổi mới quan trọng cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, Hiến pháp đã mở ra không gian rộng lớn nhằm phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách quản trị kinh tế - xã hội. Triển khai Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi) và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp là những nhiệm vụ hết sức nặng nề, với khối lượng công việc rất lớn. Chính phủ Việt Nam nhận thấy để hoàn thành tốt những nhiệm vụ này, ngoài quyết tâm về chính trị còn đòi hỏi phải có nhận thức đầy đủ, đầu tư lớn về thời gian, công sức và tài chính. Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện công tác điều phối hợp tác pháp luật và tư pháp, thay mặt Bộ Tư pháp, Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với UNDP duy trì và phát triển Diễn đàn đối tác pháp luật thành một kênh đối thoại cởi mở, trên tinh thần xây dựng vì sự phát triển, góp phần hỗ trợ việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam cũng như cung cấp thêm thông tin về những cơ hội kinh doanh và đầu tư ngày một mở rộng ở Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Bộ trưởng mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những chương trình, dự án trợ giúp quốc tế trong giai đoạn quan trọng này.

 

 

Theo bà Pratibha Mehta, Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải điều chỉnh các luật và quy định để đảm bảo cho các nguyên tắc xuyên suốt trong những sửa đổi này là công bằng, hiệu quả và cam kết bảo vệ quyền con người được hiện thực hóa cho tất cả mọi người. Tiến sĩ Mehta khẳng định: “Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, vì vậy hệ thống tư pháp phải làm cho các công dân và đối tác quốc tế tin tưởng rằng hệ thống này có thể làm trọng tài công bằng và trung lập cho các tranh chấp mang tính cá nhân, hình sự và thương mại”.