Thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế nhập, đăng tải, khai thác, sử dụng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính

23/11/2013
Chiều ngày 22/11/2013, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế nhập, đăng tải, khai thác, sử dụng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp. Thành phần dự họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Tài nguyên và môi trường và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Công nghệ thông tin, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật).

Thay mặt đơn vị chủ trì soạn thảo, ông Lê Vệ Quốc, Phó trưởng Phòng kiểm soát thủ tục hành chính khối khoa giáo, văn xã báo cáo quá trình chuẩn bị dự thảo Quyết định, trình bày Tờ trình, nội dung cơ bản của dự thảo, đồng thời, báo cáo giải trình về việc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và các vấn đề khác có liên quan đến dự thảo Quyết định.

Ngày 20/10/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1699/QĐ-TTg về thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Để bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho việc nhập, đăng tải, khai thác, sử dụng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính thì Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính đã dành một chương (Chương IV) quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia. Sau hơn 3 năm đi vào triển khai hoạt động, Cơ sở dữ liệu quốc gia đã bảo đảm vai trò công khai, minh bạch, thống nhất, tập trung tất cả các thủ tục hành chính trên môi trường Internet, phục vụ cho các cơ quan, tổ chức cá nhân tra cứu, tìm hiểu thông tin về quy định thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền trong phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai hoạt động, việc nhập, đăng tải, khai thác, sử dụng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có quy định cụ thể về quy trình, cách thức, nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc nhập, đăng tải, khai thác…

Các thành viên tham dự phiên họp thẩm định đều cho rằng, việc xây dựng dự thảo Quyết định đã được thực hiện công phu, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình xây dựng dự thảo Quyết định đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức. Trong quá trình chuẩn bị, đơn vị soạn thảo đã tiến hành nhiều hoạt động như: rà soát các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan; tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức có liên quan; tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan… Các thành viên đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế nhập, đăng tải, khai thác, sử dụng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Quyết định, đồng thời có ý kiến về từng vấn đề cụ thể.

Về tính khả thi: các ý kiến tham dự đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo cân nhắc về tính khả thi về việc quy định về nội dung của Cơ sở dữ liệu quốc gia gồm: Thông tin về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2008/NĐ-CP; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính và biểu mẫu đánh giá tác động của quy định về thủ tục hành chính. Nếu cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm cả các nội dung trên thì sẽ rất tốt, tuy nhiên, cần cân nhắc vì quy định này sẽ khó đảm bảo tính khả thi trên thực tế, tạo thêm hoạt động mang tính thường xuyên lên vai của các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là đối với công chức cấp xã, cấp huyện.

Đồng thời, các ý kiến tham dự cũng đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo cân nhắc việc quy định cơ quan giải quyết thủ tục hành chính phải nhập, đăng tải thông tin về tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tạo các cấp chính quyền vào cơ sở dữ liệu hàng ngày. Việc kiểm tra, giám sát về tình hình giải quyết các thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân là yêu cầu cấp thiết, tuy nhiên nếu quy định trách nhiệm phải cập nhật hàng ngày tình hình giải quyết, kết quả thực hiện là không đảm bảo tính khả thi, đề nghị cần có lộ trình để thực hiện, trước hết nên thực hiện thí điểm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu.

Về sự thống nhất trong hệ thống pháp luật: các ý kiến tham gia đều cho rằng việc quy định cụ thể quy trình, cách thức, nguyên tắc, nội dung trách nhiệm của các Bộ ngành địa phương trong việc nhập, đăng tải, khai thác, sử dụng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia là cần thiết, tuy nhiên, để tránh lãng phí, chồng chéo trong các hoạt động đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật (mà hiện nay Chính phủ đang xây dựng Nghị định để điều chỉnh); xử lý trong việc tích hợp, dẫn chiếu các thông tin có liên quan trong việc đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia này với các Trang thông tin điện tử của các Bộ ngành khi đăng tải dự thảo văn bản lấy ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định và cơ bản nhất trí với các nội dung của Dự thảo. Thứ trưởng yêu cầu Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên tham dự cuộc họp thẩm định, đồng thời, giải trình cụ thể về từng vấn đề mà các đại biểu đã nêu, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Quyết định, trình Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.