Thống nhất về tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp địa phương

21/11/2013
Thống nhất về tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp địa phương
Đây là đề xuất của nhiều Sở Tư pháp đã tham dự Toạ đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV và chuẩn bị nội dung xây dựng Đề án về các giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực của Ngành Tư pháp diễn ra vào ngày 19/11/2013 tại Vĩnh Long.

Tại Toạ đàm, các đại biểu đánh giá tổ chức các Phòng thuộc Sở Tư pháp được quy định trong Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV là cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tổ chức công việc của Sở Tư pháp. Tuy nhiên, cơ cấu các Phòng giữa các Sở Tư pháp còn có sự khác nhau nên dẫn đến những khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sự thống nhất quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ giữa trung ương và địa phương. Ông Cao Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp An Giang cho biết do cơ cấu các Phòng không thống nhất nên việc xem xét, đề xuất các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho từng Phòng cũng khó vì có thể Phòng thực hiện tốt lĩnh vực này nhưng xem xét trong tổng thể chung các Phòng tương tự trong Khu vực thi đua thì lại không được vì khối lượng công việc, lĩnh vực công tác của những Phòng khác thực hiện nhiều hơn. Bà Lê Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ cũng thống nhất với quan điểm cần quy định thống nhất về cơ cấu tổ chức của các Sở Tư pháp vì đây cũng tạo thuận lợi cho các Sở trong trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Bà Yến cho rằng mặc dù quy định thống nhất nhưng cũng cần phải có tính đến tính đặc thù của các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề biên chế và nhân lực của các cơ quan tư pháp địa phương cũng được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ tư pháp địa phương không ngừng được mở rộng, tăng cường. Các Sở Tư pháp cho biết, từ sau Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV đến nay, các cơ quan tư pháp địa phương được giao thêm nhiệm vụ trong các lĩnh vực lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, gần đây là quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính… nhưng trong một thời gian dài nhiều địa phương cũng không được tăng biên chế. Các đại biểu cũng phản ánh ngay cả việc chuyển giao nhiệm vụ và tổ chức, biên chế thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính mặc dù đã có chỉ đạo chuyển giao nguyên trạng nhưng thực tế thì biên chế, cán bộ đều có sự thay đổi. Nhiều cán bộ không muốn chuyển từ Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sang Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính. Một vấn đề chung của các Sở Tư pháp cho biết là việc thu hút cán bộ vào làm việc trong các cơ quan tư pháp địa phương do chế độ chính sách, đã ngộ của cán bộ làm việc trong Ngành Tư pháp không bằng so với các ngành sử dụng nguồn cán bộ tương tự. Ông Nguyễn Hoà Bình – Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Long cho biết thực tế cho thấy chất lượng nguồn nhân lực của Ngành Tư pháp cũng đang đứng trước những yêu cầu phải nâng cao chất lượng. Thực tế cho thấy cán bộ của Ngành dù có trình độ cử nhân Lụât, đúng chuyên ngành yêu cầu nhưng đều rất khó có thể làm việc ngay khi mới tuyển dụng.

Từ những đánh giá về tình hình tổ chức bộ máy và nhân lực của các cơ quan tư pháp, pháp chế địa phương, các đại biểu của Toạ đàm đề nghị tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm nhằm làm rõ nhiệm vụ, yêu cầu tổ chức công việc, số lượng và cơ cấu cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ để từ đó đề xuất cụ thể về tổ chức, biên chế cán bộ tư pháp. Cùng với đó, các đại biểu cũng đề xuất có chương trình đào tạo, bồi dưỡng chung cho cán bộ toàn Ngành Tư pháp khi mới được tuyển dụng để các cán bộ nắm bắt được đầy đủ về nhiệm vụ của Ngành và trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho cán bộ thực thi nhiệm vụ công tác tư pháp. Chế độ đãi ngộ cũng cần được quan tâm, trước mắt cần có quy định về phụ cấp thâm niên cho cán bộ Ngành Tư pháp trong Đề án về giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực ngành Tư pháp

Phát biểu kết thúc Toạ đàm, Ông Trần Văn Quảng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ khẳng định xây dựng tổ chức bộ máy và nhân lực Ngành Tư pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường, Nhà nước thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Mục tiêu lhướng đến là phải  xây dựng, kiện toàn tổ chức cán bộ Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp, chuyên môn và chuyên tâm. Ông Trần Văn Quảng đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu và sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến trong dự thảo Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV và chuẩn bị nội dung xây dựng Đề án về các giải pháp tổng thể kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực Ngành Tư pháp.

TTHường - Vụ TCCB