Hội thảo “Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và định hướng hoàn thiện”

21/11/2013
Ngày 19/11 và ngày 20/11/2013, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và định hướng hoàn thiện” (Current legislative process and direction for improvement). Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp và Isabeau Vilandre, Giám đốc Văn phòng dự án tại Việt Nam đồng chủ trì.

Tham dự Hội thảo có đại diện của gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, địa phương, bao gồm đại diện các Bộ, ngành, một số Ủy ban của Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội thảo đã nghe các chuyên gia trình bày các tham luận liên quan đến quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, đặc biệt là các chuyên gia đã tập trung phân tích những bất cập, vướng mắc của hai Luật hiện hành, từ đó kiến nghị những giải pháp khắc phục. Các tham luận được trình bày tại Hội thảo đã đề cập đến các vấn đề như hoàn thiện quy trình hoạch định chính sách và quy trình quy phạm hóa chính sách; quy trình thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; quy trình thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; quy trình soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; quy trình lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; việc tham vấn ý kiến doanh nghiệp và người dân trong xây dựng chính sách pháp luật; quy trình ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp… Đặc biệt, Hội thảo đã được nghe 02 chuyên gia đến từ Canada là bà Andrea Strom, Giám đốc phụ trách phát triển chính sách tư pháp – Bộ Tổng chưởng lý Bang Ontario và Ông Lionel Levert, nguyên Trưởng phòng soạn luật của Bộ Tư pháp Canada, chuyên gia tư vấn luật pháp chia sẻ kinh nghiệm của Canada về quy trình làm luật.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có quá trình thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến những điểm tương đồng và khác nhau giữa quy trình làm luật của Canada và Việt Nam; những giải pháp để hoàn thiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam. Theo đó, điểm khác biệt lớn nhất giữa quy trình làm luật của Việt Nam và Canada là ở sự tách bạch giữa quy trình hoạch định chính sách và quy phạm hóa chính sách. Ở Canada, quy trình hoạch định chính sách và quy phạm hóa chính sách được tách bạch rõ ràng vì hai quy trình đòi hỏi chuyên môn, kỹ năng khác nhau. Quy trình xây dựng chính sách ở Canada bao gồm nhiều công đoạn, trong mỗi công đoạn đều có sự phân công táh nhiệm cụ thể của từng cơ quan, với sự công khai, minh bạch, có sự tham vấn của công chúng, có đánh giá tác động, có kế hoạch truyền thông cụ thể. Chính sách phải được Nội các phê duyệt trong Biên bản nội các trước khi chính sách được quy phạm hóa. Tương ứng với hai quy trình này thì ở Canada cũng có hai Bộ phận là Bộ phận phân tích chính sách (chuyên thu thập thông tin để phân tích, xây dựng chính sách) và Bộ phận soạn thảo (chuyên làm nhiệm vụ chuyển tải chính sách vào dự luật). Hai Bộ phận này thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau để trao đổi các thông tin. Đây chính là sự tập trung hóa và chuyên môn hóa trong hoạt động soạn thảo luật ở Canada. Còn ở Việt Nam, quy trình hoạch định chính sách được thực hiện bắt đầu từ khâu lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng đến giai đoạn soạn thảo thì việc làm chính sách mới thực sự được bắt đầu và được tiến hành song song với quá trình soạn thảo. Về các giải pháp hoàn thiện

Bế mạc Hội thảo, thay mặt cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Lê Thành Long cho rằng quy trình xây dựng pháp luật của Canada và Việt Nam, xét về tổng thể thì có nhiều nét tương đồng; nếu tách từng khâu trong quy trình thì có những điểm khác nhau nhất định. Mục đích, yêu cầu việc xây dựng, ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đặt trong bối cảnh mới là tập trung nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; trong đó cũng cần phải chú trọng đến yếu tố con người, cần phải có giải pháp tăng cường, củng cố năng lực cho người soạn thảo.