Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ hai năm 2013: "Đánh giá tổng quan Dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) – dưới góc độ quyền con người"

25/11/2013
Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ hai năm 2013: "Đánh giá tổng quan Dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) – dưới góc độ quyền con người"
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2013, trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam" do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ hai năm 2013: "Đánh giá tổng quan Dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) – dưới góc độ quyền con người". Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Diễn đàn nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin với các nhà tài trợ, các Bộ, ban, ngành, các tổ chức trong nước và nước ngoài tại Việt Nam về tình hình đánh giá những nội dung của Dự án Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 sửa đổi. Theo đó các đại biểu tham dự Diễn đàn được nghe đại diện Bộ Tư pháp đánh giá tổng quan về mục tiêu, quan điểm xây dựng và nội dung Dự án Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi), dưới góc độ quyền con người; đại diện của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày về vấn đề lồng ghép giới và bình đẳng giới trong Dự án Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi) từ quan điểm của Uỷ ban của Quốc hội; đại diện Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) trình bày về Dự án Luật dưới góc nhìn từ một tổ chức phi Chính phủ. Cùng với các luật gia Việt Nam, đại diện cho các cơ quan của Liên hợp quốc đã có bình luận bổ sung ý kiến về Dự thảo Luật trong mối quan hệ với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

=

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam trong quá trình soạn thảo Dự án Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi) là tôn trọng và có cơ chế pháp lý đầy đủ để đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bảo vệ bà mẹ, trẻ em và những người yếu thế khác; quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác có liên quan; lợi ích của gia đình, Nhà nước và xã hội. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về hôn nhân và gia đình; bảo đảm những kinh nghiệm được tiếp thu phải phù hợp với đặc điểm văn hóa, pháp lý và điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam, sự tương thích giữa pháp luật về hôn nhân và gia đình nước ta với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

=

Tiếp đó, Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam nêu một số vấn đề từ giác độ quyền con người để Diễn đàn cùng thảo luận như: Phân công lao động giữa nam và nữ trong gia đình, với truyền thống là người phụ nữ phải chịu nhiều gánh nặng công việc nhà không được trả tiền dẫn tới hậu quả là phụ nữ và trẻ em bị rơi vào tình thế bất lợi khi vợ chồng ly thân hoặc ly hôn. Bà cũng chia sẻ, các hình thức phân biệt khác trên cơ sở giới tính và xác định giới cũng là những vấn đề cần được giải quyết trong Luật này vì các cặp đồng giới, người chuyển giới và dị dới đều có quyền tạo lập nên gia đình và có con. Theo luật quốc tế về quyền con người, những người này có quyền bình đẳng với bất kỳ cá nhân nào khác trong xã hội...

=

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên tin tưởng rằng, với vai trò điều phối hợp tác pháp luật và tư pháp của Bộ Tư pháp, Diễn đàn đối tác pháp luật cũng như Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật theo chuyên đề sẽ trở thành một hoạt động đối thoại và trao đổi thường xuyên, đa dạng và phong phú hơn về nhiều lĩnh vực và chủ đề là mối quan tâm chung của Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ, góp phần hỗ trợ việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam.

=